Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

AN TOÀN ĐIỆN TRONG NGÀNH KIM HOÀN (P3)



Bài 3 : Tự bảo vệ mình
Sau khi chúng ta biết được sự trừng phạt của máy móc khủng khiếp đến dường nào. Chẳng lẽ, chúng ta khoanh tay chịu trận hay sao ? Không, bằng mọi cách chúng ta phải tự bảo vệ chính mình, bảo vệ tài sản quí giá nhất là con người. 


Trước hết, chúng ta phải thiết lập hệ thống tiếp đất của tất cả máy móc. Nếu có rồi thì phải kiểm tra còn hữu dụng không và bổ sung sửa chữa cho hoàn thiện. Còn chưa có thì phải bắt tay xây dựng. Sự rò rỉ điện sẽ không còn tác quai tác quái và phải theo sự chỉ dẫn bắt buộc của chúng ta là chui xuống lòng đất âm u, lạnh lẽo.


 Kế tiếp, chúng ta sử dụng các công cụ răn đe tính khí thất thường “ điên … nặng “ của máy móc bằng cầu chì, cầu dao, áp-tơ-mát được đặt ở trước các ổ cắm điện để ngắt điện khi có chạm chập, ngăn ngừa phát hỏa do điện. Như thế, kịp thời ngăn chận được sự nổi loạn của máy móc từ trong trứng nước.



Quan trọng nhất và luôn luôn ghi nhớ bài học cơ bản đầu tiên, khi sửa chữa hay bảo trì, bảo dưỡng máy móc là phải chia cắt mối dây liên hệ giữa máy móc và nguồn điện bằng động tác đơn giản cúp cầu dao điện hay áp-tơ-mát và tiện tay treo ngay tấm bảng “Cấm đóng điện, có người sửa“ tại ngay chổ đó. Coi như chúng ta cô lập được máy móc và thỏa sức “ làm tình làm tội “ chúng mà không nhận được bất cứ sự kháng cự nào .


Bên cạnh đó, để bảo vệ máy móc và phân phối sức máy cho hợp lý, chúng ta nên áp dụng kế sách “ máy nào việc nấy “ và cung cấp “dinh dưỡng “ điện đầy đủ cho từng máy, tuyệt đối tránh tranh giành nguồn “dinh dưỡng” điện giữa các máy làm khó xử cho “ anh nuôi “ đến nổi phải “ nổi lửa lên em “.

Sau một thời gian dài, máy móc có thể “bình yên”, đừng chủ quan nghĩ rằng chúng hết bệnh, tốt nhất chúng ta nên thăm khám định kỳ bệnh “điên … nặng” của chúng và các yếu tố lây nhiễm bệnh cho chúng như: ổ cắm, cầu dao, dây dẫn điện ... Trước tiên,  chúng ta dùng cây bút thử điện để “ cặp nhiệt độ “ cho chúng. Nếu nhiệt độ cao quá, bút sáng lên, thì nên cho chúng nghỉ ngơi để được chữa bệnh đúng lúc.  

Ngoài ra, chúng ta phải thường xuyên nhắc nhở, giáo dục nâng cao ý thức đề phòng tai nạn điện cho những người thợ kim hoàn để họ có được những kỹ năng cần thiết, tự bảo vệ mình trước những rủi ro về điện. Đây là điều "tối quan trọng" vì ý thức quyết định hành động.


Nói tóm lại , chuyện an toàn về điện trong máy móc của ngành kim hoàn là chuyện dài nhiều tập. Cuộc sống vẫn bình thản trôi qua, còn chúng ta vẫn ngày đêm theo đuổi công việc với niềm đam mê cháy bỏng. Chúng tôi hy vọng qua đây góp một phần công sức nhỏ  nhoi đem đến nhiều niềm vui, nhiều nụ cười , lau khô dòng nước mắt, xóa tan nổi buồn phiền trong công việc của những người thợ kim hoàn . Mong cho họ có nhiều năng lượng và tinh thần phấn chấn để chế tác nên những sản phảm độc đáo , nâng niu và tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

NGUYỄN CHÍ CƯỜNG








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét