Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

THỬ NGHĨ XEM CÓ ĐÚNG KHÔNG?



Xin giới thiệu Bộ gá dao phay 6 dao dùng trong công đoạn móc máy của gia công nữ trang.





Đây là bộ gá dao áp dụng công nghệ mới, cho phép gá được 6 dao phay khác nhau cùng một lúc. Tất nhiên, mỗi lần chạy dao chỉ dùng một dao, 5 dao còn lại được bố trí sẳn, chờ cho những lần chạy dao tiếp theo. Mỗi lần thay dao, chỉ cần thực hiện thao tác đơn giản là xoay và đưa con dao cần chạy đến vị trí làm việc. Đặc biệt, chỉ canh chỉnh một lần cho 6 dao lúc gá vào. Ưu điểm của bộ gá này là giúp cho người đứng máy không phải mất thời gian tháo lắp dao nhiều lần tương ứng với số lần canh chỉnh. Thiết kế của bộ gá dao này cho phép gá dao chắc chắn, tạo điều kiện cho dao làm việc hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm trạng thái cân bằng cần thiết. Tất cả mọi thao tác tháo lắp dao vào gá đều thực hiện dễ dàng, không quá phức tạp.



Cái quan trọng là việc tính toán sử dụng 6 dao được sắp xếp sao cho phù hợp với qui trình chạy dao định trước. Với bộ gá dao này, công đoạn móc máy cho nữ trang giống như được lập trình sẳn bằng cơ khí hóa, giúp tăng năng suất làm việc và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Vẫn biết rằng, đây là bộ gá dao dùng cho máy phay nữ trang của Ý, nên khi gắn lên máy phay nữ trang sản xuất trong nước thì “râu ông nọ cắm cằm bà kia” là cái chắc! Chúng ta hãy cùng nhau làm một phép tính: Máy phay nữ trang của Ý giá không rẻ, còn máy phay nữ trang trong nước thì hợp túi tiền người trong nước. Xét về chức năng của cả hai máy đều phay được nữ trang (móc máy), miễn bàn đến vấn đề chất lượng, nhưng máy phay nữ trang của Ý phay đa chức năng hơn nhờ có bộ gá dao đặc biệt trên. Vậy tại sao chúng ta không cải thiện chức năng phay của máy phay trong nước cũng bằng bộ gá dao đặc biệt giống của Ý?  



Bây giờ mà nghĩ đến chuyện chế tạo bộ gá dao này ở trong nước thì mất thời gian, lắm phức tạp và chưa chắc giống “đồ xỉn”. Chi bằng, chúng ta sửa đổi đôi chút trên máy phay trong nước để có thể lắp được bộ gá dao này là OK.  Nhìn nhận lại toàn bộ vấn đề, vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư vừa kết hợp “đông tây” – tận dụng công nghệ nước ngoài, khắc phục điểm yếu của máy trong nước – “vẹn cả đôi đường”. Trước mắt, chúng ta thấy có lợi rồi đó! THỬ NGHĨ XEM CÓ ĐÚNG KHÔNG?

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

BIẾN CÁI KHÔNG THỂ THÀNH CÓ THỂ



Trong sản xuất, máy móc thiết bị là công cụ sản xuất thiết yếu, không thể thiếu. Nó thay con người giải quyết những khâu quan trọng trong dây chuyền sản xuất, giúp tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng sản phẩm. 


Những ưu điểm nổi trội của máy móc thiết bị đem lại cho con người là điều không có gì bàn cãi. Nhưng khi chúng “đi ăn giỗ” (hư hỏng) thì đem lại biết bao phiền toái, khó khăn cho con người. Việc sữa chữa chúng cũng nan giải và lắm nhiêu khê. Nếu sửa được và trở lại hoạt động bình thường thì còn gì bằng. Chỉ tốn một khoảng chi phí “con voi” so với giá trị “khủng long” của nó cũng phải chấp nhận. Ngược lại, nào là không kiếm được thợ sửa, nào là thiếu phụ tùng thay thế, nào là khắc phục cho chạy tạm, chứ không biết được bệnh của máy… vân vân và vân vân. Thử hỏi, thấy cảnh máy “trùm mền” hay máy được sửa không “đến nơi đến chốn” thì các chủ máy có vui không? 


Hiểu được tâm lý “nặng đầu” của họ, trong khả năng của mình, chúng tôi cũng cố gắng giúp họ giải quyết việc sửa chữa máy móc. Ví dụ, gần đây, chúng tôi đã thay toàn bộ dàn điện cho một máy đan dây chuyền. Nguồn gốc của máy này là máy đã qua sử dụng, dàn cơ của nó còn “ngon”, chỉ có dàn điện là “đến tuổi”. Tất nhiên, là giá thành của nó vừa với túi tiền người Việt mình so với mua máy mới. Dàn cơ của nó là của máy Ý nên bền lắm, bằng chứng đã qua sử dụng nhiều năm rồi nhưng vẫn “chạy tốt”. Cái quan trọng là dàn điện của nó đã cũ kỹ, hư hỏng, cần phải thay mới và khả năng trong nước có thể làm được điều đó với chi phí hợp lý. Chỉ cần như vậy thôi là đưa được máy đan dây chuyền vào sản xuất trên tinh thần tiết kiệm chi phí đầu tư.





Cuối cùng, CÁI KHÔNG THỂ ĐÃ ĐƯỢC BIẾN THÀNH CÁI CÓ THỂ rồi đấy! Biết linh động, biết tận dụng công nghệ tiên tiến của TÂY, kết hợp với tay nghề sửa chữa của TA trong việc “hồi sinh” lại máy móc thiết bị là điều cần phải suy nghĩ, để giải quyết bài toán “hóc búa” ở trên.




Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

CŨNG LẮM CÔNG PHU



Qua bao thay đổi tự cổ chí kim, đối với nghề kim hoàn, cách tạo ra một sợi dây chuyền làm đẹp cho cuộc sống cũng lắm công phu. 


Từ thuở chưa có máy móc giúp sức, các nghệ nhân phải dùng đôi bàn tay tài hoa, khóe léo và trí óc sáng tạo tài tình để tạo nên những sợi dây chuyền khiến mọi người không thể cưỡng lại nổi sự ham muốn có được chúng bằng mọi giá. Tất nhiên, việc chế tác bằng tay cũng lắm công phu, lắm kỳ công và thời gian thì kéo dài, khó lòng làm hàng loạt. Dẫn đến giá thành sản phẩm làm ra cao ngất ngưỡng, đúng là “Cái giá của cái đẹp không rẻ bao giờ”. Vì vậy, chỉ có các mệnh phụ phu nhân là có khả năng sở hữu được chúng. Còn phần lớn những người phụ nữ khác chỉ có mơ ước mà thôi!


Ngày nay, với trí tuệ siêu phàm của con người, máy móc đã dần dần thay thế sức lực con người ở một vài công đoạn phức tạp, giải quyết được biết bao bài toán nan giải mà trước đây đều phải làm thủ công, mất thời gian và tiền bạc. Máy làm dây chuyền trở thành trợ thủ đắc lực trong việc chế tác trang sức dạng dây. Cứ tưởng mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng, đơn giản hơn khi có máy móc giúp sức. DZẬY MÀ KHÔNG PHẢI DZẬY!


Để có được một sợi dây chuyền hoàn chỉnh, phải qua biết bao máy móc và công đoạn xử lý, nói chung cũng lắm công phu. Máy móc chỉ giúp tăng sản phẩm, bảo đảm chất lượng, rút ngắn thời gian sản xuất, ít lệ thuộc vào tay nghề người thợ. Còn qui trình công nghệ làm dây chuyền, dù làm bằng máy hay thủ công, cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt nhằm tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu. Dưới đây là sơ đồ công nghệ sản xuất dây chuyền, qua đó cho chúng ta có cái nhìn thực tế và thừa nhận rằng: Chế tác dây chuyền CŨNG LẮM CÔNG PHU chứ bộ!