Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

AN TOÀN ĐIỆN TRONG NGÀNH KIM HOÀN (P3)



Bài 3 : Tự bảo vệ mình
Sau khi chúng ta biết được sự trừng phạt của máy móc khủng khiếp đến dường nào. Chẳng lẽ, chúng ta khoanh tay chịu trận hay sao ? Không, bằng mọi cách chúng ta phải tự bảo vệ chính mình, bảo vệ tài sản quí giá nhất là con người. 


Trước hết, chúng ta phải thiết lập hệ thống tiếp đất của tất cả máy móc. Nếu có rồi thì phải kiểm tra còn hữu dụng không và bổ sung sửa chữa cho hoàn thiện. Còn chưa có thì phải bắt tay xây dựng. Sự rò rỉ điện sẽ không còn tác quai tác quái và phải theo sự chỉ dẫn bắt buộc của chúng ta là chui xuống lòng đất âm u, lạnh lẽo.


 Kế tiếp, chúng ta sử dụng các công cụ răn đe tính khí thất thường “ điên … nặng “ của máy móc bằng cầu chì, cầu dao, áp-tơ-mát được đặt ở trước các ổ cắm điện để ngắt điện khi có chạm chập, ngăn ngừa phát hỏa do điện. Như thế, kịp thời ngăn chận được sự nổi loạn của máy móc từ trong trứng nước.



Quan trọng nhất và luôn luôn ghi nhớ bài học cơ bản đầu tiên, khi sửa chữa hay bảo trì, bảo dưỡng máy móc là phải chia cắt mối dây liên hệ giữa máy móc và nguồn điện bằng động tác đơn giản cúp cầu dao điện hay áp-tơ-mát và tiện tay treo ngay tấm bảng “Cấm đóng điện, có người sửa“ tại ngay chổ đó. Coi như chúng ta cô lập được máy móc và thỏa sức “ làm tình làm tội “ chúng mà không nhận được bất cứ sự kháng cự nào .


Bên cạnh đó, để bảo vệ máy móc và phân phối sức máy cho hợp lý, chúng ta nên áp dụng kế sách “ máy nào việc nấy “ và cung cấp “dinh dưỡng “ điện đầy đủ cho từng máy, tuyệt đối tránh tranh giành nguồn “dinh dưỡng” điện giữa các máy làm khó xử cho “ anh nuôi “ đến nổi phải “ nổi lửa lên em “.

Sau một thời gian dài, máy móc có thể “bình yên”, đừng chủ quan nghĩ rằng chúng hết bệnh, tốt nhất chúng ta nên thăm khám định kỳ bệnh “điên … nặng” của chúng và các yếu tố lây nhiễm bệnh cho chúng như: ổ cắm, cầu dao, dây dẫn điện ... Trước tiên,  chúng ta dùng cây bút thử điện để “ cặp nhiệt độ “ cho chúng. Nếu nhiệt độ cao quá, bút sáng lên, thì nên cho chúng nghỉ ngơi để được chữa bệnh đúng lúc.  

Ngoài ra, chúng ta phải thường xuyên nhắc nhở, giáo dục nâng cao ý thức đề phòng tai nạn điện cho những người thợ kim hoàn để họ có được những kỹ năng cần thiết, tự bảo vệ mình trước những rủi ro về điện. Đây là điều "tối quan trọng" vì ý thức quyết định hành động.


Nói tóm lại , chuyện an toàn về điện trong máy móc của ngành kim hoàn là chuyện dài nhiều tập. Cuộc sống vẫn bình thản trôi qua, còn chúng ta vẫn ngày đêm theo đuổi công việc với niềm đam mê cháy bỏng. Chúng tôi hy vọng qua đây góp một phần công sức nhỏ  nhoi đem đến nhiều niềm vui, nhiều nụ cười , lau khô dòng nước mắt, xóa tan nổi buồn phiền trong công việc của những người thợ kim hoàn . Mong cho họ có nhiều năng lượng và tinh thần phấn chấn để chế tác nên những sản phảm độc đáo , nâng niu và tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

NGUYỄN CHÍ CƯỜNG








Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

THẾ GIỚI THẬT TRONG KHÔNG GIAN ẢO



Cuộc đời của một con người là một chuỗi thời gian liên tục từ quá khứ, hiện tại cho đến tương lai. Chuỗi thời gian đó sẽ dừng lại khi con người ta không còn nữa. Nói như thế, không có nghĩa là hình ảnh về  người đó mãi mãi rơi vào quên lãng.Vì vậy, để nhớ mãi hình ảnh của một con người, không chỉ ghi đậm dấu ấn qua những kỹ niệm, qua ký ức mà còn qua những kỹ vật còn lại của người đó.


Trong số những kỹ vật đó, những tấm hình về người đó là những bằng chứng sống thuyết phục nhất, giúp cho mọi người có cảm giác như sống lại những giờ phút bên cạnh người đó. Ngày xưa, ông cha ta không có những tấm hình như bây giờ nhưng không có nghĩa là : Ông cha ta không lưu lại một chút gì đó “để nhớ để thương” cho hậu thế. Những bức tranh chân dung, phong cảnh và sinh hoạt, những búc phù điêu, những họa tiết cổ, những bức tượng điêu khắc là những kho tư liệu quí giá để các nhà khảo cổ, các nhà nghiên cứu lịch sử làm sống lại hình ảnh của ông cha ta. Chính vì trân trọng những giây phút kỳ diệu hiếm hoi đó, ngày nay, con người có thể lưu lại những khoảnh khắc của đời mình bằng bất cứ thiết bị có chức năng ghi lại hình ảnh sẳn có , trong bất cứ khoảng thời gian nào chỉ trong tích tắc.

 
Nếu ai đó thực sự quan tâm về cuộc đời mình, họ có thể sưu tập tất cả hình ảnh của mình, rồi sắp xếp lại theo năm tháng, tạo ra một cuốn an-bum (album) bằng hình ảnh sống động, không cần diễn tả bằng lời nhưng tất cả mọi người đều hiểu. Để mai sau khi về già hay không còn nữa, nếu có dịp lần dở lại những trang an-bum đó, con cháu của họ sẽ tự hào về những gì họ đã sống và làm việc trong quá khứ, hiện tại lẫn tương lai. Tác dụng thông tin về mặt giáo dục, về sự quảng bá hình ảnh qua cuốn an-bum rất thuyết phục và có tầm ảnh hưởng sâu rộng qua nhiều thế hệ. Biết là như vậy nhưng chẳng mấy ai quan tâm, đến khi hữu sự tìm một tấm hình cũng không có. Thật đáng tiếc và đáng trách làm sao!


Các sản phẩm nữ trang cũng trải qua các khoảng thời gian như: Qúa khứ là lúc còn phôi thai, còn là ý tưởng, còn là file 3D. Hiện tại là có sản phẩm hoàn chỉnh đang trưng bày, chào bán. Còn tương lai là sự tồn tại hay chấm dứt sự hiện diện của sản phẩm nữ trang đó trên thị trường. Chúng ta có thể lưu lại những hình ảnh về cuộc đời của mình nhưng tại sao chúng ta không lưu lại những sản phẩm nữ trang - thành quả lao động của chúng ta trong suốt quá trình làm việc? Những vị tướng về hưu còn có những tấm huân chương ghi nhận công lao trong chiến đấu. Những văn nghệ sĩ còn có những tác phẩm đi sâu vào lòng người ghi nhận sự cống hiến cho xã hội. Vậy trong lĩnh vực sản xuất nữ trang, có biết bao nhiêu sản phẩm tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ, làm cho cuộc sống có nhiều mầu sắc , cuối cùng chỉ nhận được sự tán thưởng trong chốc lát rồi mãi mãi rơi vào quên lãng theo thời gian. Chẳng lẽ cái đẹp của nữ trang là cái đẹp vĩnh cữu do vàng bạc, đá quí tạo nên lại phù du đến thế sao?


Chỉ có Thượng đế mới có quyền lấy đi cái đẹp. Chúng ta sẽ cảm thấy tiếc nuối khi cái đẹp mai một theo năm tháng. Chúng ta trân trọng cái đẹp vĩnh cữu bằng cách lưu lại những hình ảnh của những sản phẩm nữ trang đã được tạo ra trong quá trình sản xuất. Tất nhiên, chúng ta không chọn con đường lưu giữ các hiện vật mẫu vì phức tạp, tốn kém cho vấn đề bảo quản và an ninh. Lưu giữ hình ảnh sản phẩm nữ trang qua dữ liệu máy tính là thuận tiện nhất và là sự lựa chọn hoàn hảo nhất lúc này. Bên cạnh đó, chúng ta có thể sắp xếp lại các sản phẩm nữ trang một cách khoa học theo ký mã hiệu, theo chủ đề, theo giới tính, theo dòng thời gian, theo đối tượng… và tất cả có thể được “số” hóa. 


Sự lưu giữ ở đây không đơn thuần chỉ lưu giữ lại những hình ảnh giống như một cuốn an-bum ảnh thông thường. Như thế, những sản phẩm nữ trang sẽ trở nên, khô khan, vô hồn không sức sống. Bên cạnh những tấm hình phô trương vẻ đẹp của nữ trang, chúng ta phải mô tả chi tiết cấu trúc tạo nên vẻ đẹp hoàn mỹ đó. Từ ý tưởng là an-bum, chúng ta chuyển sang một hình thức cao cấp hơn là thiết kế ca-ta-lô (catalogue) điện tử cho sản phẩm nữ trang.



Tất nhiên, kết cấu, nội dung và sự dàn trang hoàn toàn dựa trên cơ sở của ca-ta-lô truyền thống. Nhưng đây là ca-ta-lô điện tử, cho nên, có nhiều tiện ích, nhiều ưu thế nổi trội, hình thức và màu sắc sống động hơn. Nói chung, khi xem ca-ta-lô điện tử chẳng khác nào, chúng ta đang xem một cuốn phim vừa có hình ảnh vừa có âm thanh, lôi cuốn từng phút từng giây diễn tả về những khoảnh khắc kỳ diệu của những sản phẩm nữ trang vang bóng một thời . Biết đâu được có những sản phẩm nữ trang bị lãng quên, nay chỉ cần xuất hiện một lần cũng làm cảm xúc người xem dâng trào và họ quyết định làm cho nó sống lại thì sao nào? Đó mới là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Đâu phải mọi thứ cũ kỹ, lỗi thời là không còn giá trị, bởi vì chúng ta đã bỏ quên và không đánh thức chúng dậy đúng lúc. Cái đẹp vĩnh cữu của nữ trang thì mãi mãi trường tồn là vậy!


Khi chiêm ngưỡng lại từng sản phẩm nữ trang, chúng ta không khỏi bồi hồi hãnh diện trước những thành quả do chính mồ hôi công sức tạo dựng nên. Mặc dù có những sản phẩm không còn hiện hữu, chỉ tồn tại trên giấy nhưng từng đường nét, từng góc cạnh, từng hoa văn của chúng cũng nói lên biết bao nhiêu điều. Chúng gợi lên trong ta cả một quá trình: Từ lúc thai nghén về ý tưởng, những khó khăn trong sản xuất, những đêm thức trắng làm việc cho kịp tiến độ, những kỹ niệm vui buồn khó tả, có cả thành công pha lẫn thất bại và cuối cùng là sự hài lòng của khách hàng khi đón nhận chúng. Khi nhận ra điều này, chúng ta hoàn toàn thấy được giá trị thực của những sản phẩm nữ trang trong không gian ảo là ca-ta-lô điện tử. Ký ức hiện về qua từng trang ca-ta-lô như nhắc nhở chúng ta phải biết phát huy những thành quả đạt được mà tiếp tục sáng tạo không ngừng trong lao động nghệ thuật để tạo ra những sản phẩm nữ trang ngày một tinh xảo hơn, đặc sắc hơn, ấn tượng hơn… Đây chính là những khoảnh khắc kỳ diệu của nữ trang qua ca-ta-lô điện tử mà không có một ca-ta-lô truyền thống nào sánh kịp. Thế giới thật trong không gian ảo mà lỵ!


Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

AN TOÀN ĐIỆN TRONG NGÀNH KIM HOÀN (P2)



Bài 2 :    Sự trừng phạt của máy móc


Sự trừng phạt của máy móc muôn hình vạn trạng. Nhưng, có cái gì đó mâu thuẫn, máy móc do con người tạo ra, con người làm chủ máy móc, vậy tại sao lại chịu sự trừng phạt của máy móc?


Xét cho cùng, nguyên nhân sâu xa, xuất phát từ tư tưởng chủ quan, thiếu hiểu biết, quá tin tưởng vào máy móc của con người như: Máy mới và hiện đại, máy của nước ngoài nhập về, máy hoạt động tốt từ trước cho đến nay không có vấn đề gì dù nó cũ kỹ,  hư hỏng lặt vặt. Cái tư tưởng ấu trĩ đó chế ngự sự khôn ngoan trong tâm trí con người. Ngày qua ngày, con người bằng lòng với hiện tại, quên lãng đi và mất cảnh giác. Lúc đó, là thời cơ để máy móc ra tay trừng phạt con người thiếu phòng bị…


Các máy móc trong ngành kim hoàn, phần lớn đều nhập khẩu. Tiêu chuẩn an toàn điện ở nước ngoài qui định phích cắm điện từ dây nguồn của máy móc cắm vào ổ điện phải là 3 chấu ( chấu thứ ba dùng để nối với đường tiếp đất chống bị điện giật khi rò rỉ điện ). Đa số ổ cắm hiện nay đang sử dụng chỉ phù hợp với phích cắm 2 chấu. Cho nên, khi gặp loại phích cắm 3 chấu, thay vì phải thay ổ cắm phù hợp, chúng ta thường tiện tay cắt bỏ cái chấu thứ ba này một cách vô tư mà không biết rằng đó là sai lầm chết người trong kỹ thuật điện như đã nói ở trên. Chúng ta nên chọn giải pháp nào: Mất một chút thời gian và tốn một ít chi phí để thay ổ cắm khác phù hợp hay là làm cẩu thả cho xong chuyện rồi nhận lãnh hậu quả nặng nề về sau?



                    


Máy móc sử dụng lâu ngày, cũ kỹ, xuống cấp, đòi hỏi phải thay thế các chi tiết già cỗi,  hao mòn, biến dạng theo thời gian, trong khi đó hệ thống điện thì tệ hại, chằng chịt như mạng nhện và câu móc tùm lum. Đã không bảo dưỡng vậy mà chúng ta coi như không có vấn đề gì, ung dung cho máy hoạt động bình thường. Tức mình, máy gây rò rỉ điện và từ chối hợp tác khi có người “ vuốt ve “.



Để chế ngự tính khí thất thường về điện của máy móc, con người cũng đã tạo ra biết bao công cụ để răn đe máy móc như: Cầu chì, cầu dao, áp-tơ-mát…Chỉ vì sự ỷ lại, sự quá tự tin mình làm chủ máy móc, cho nên, chúng ta xem nhẹ việc trang bị những thiết bị điện bảo vệ như trên, nếu có trang bị cũng qua loa, chiếu lệ. Đến khi máy móc nổi  “điên … nặng “ lên, chúng ta trở tay không kịp và mọi chuyện đã rồi.



Việc sử dụng máy móc không đúng với sự phân công định sẳn cho nó cũng gây nên biết bao hệ lụy. Máy thiết kế chỉ dùng riêng một chức năng với những điều kiện đi kèm nhưng chúng ta lại “ ép “ nó làm việc trái nghề, làm quá công suất. Đã vậy, thêm máy móc, thêm thiết bị nhưng hệ thống điện thì lạc hậu, không đáp ứng đủ nhu cầu. Tất nhiên được việc cho chúng ta nhưng sức chịu đựng của máy móc thì có giới hạn và sự quá tải về điện sẽ làm “ đứt … bóng “ máy móc. Trong khi đó, chúng ta “ đứt … từng đoạn ruột “ vì tài sản bị Bà Hỏa tịch thu , ngoài ra còn bị “ đứt … hơi “ vì chạy trối chết thoát nạn. 


Qua đây , chúng ta đánh giá được mức độ nghiêm trọng khi máy móc “ điên … nặng “. Sự cần thiết trong việc đề ra các biện pháp an toàn về điện không phải chỉ là lời nói suông, là khẩu hiệu hình thức mà phải tồn tại thường xuyên trong ý thức tự bảo vệ mình của mỗi người khi tiếp xúc với điện.