Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

CÓ BỘT MỚI GỘT NÊN HỒ (Phần 2)



Đối với TRỤC CÔNG NGHỆ dạng cơ bản chỉ phù hợp với các sản phẩm đúc là chủ yếu, còn các sản phẩm như: dây chuyền, vòng tay và trái châu thì không áp dụng được. Vì vậy, khi muốn mở rộng sản xuất, phải đầu tư thêm máy móc thiết bị thích hợp để tạo ra các sản phẩm trên. Do đó, tốn kém thêm chi phí, phải tính toán lại mặt bằng và sắp xếp lại dây chuyền sản xuất. Quan trọng nhất là phải có người hiểu biết về công nghệ làm ra các sản phẩm trên và biết tính toán nên đầu tư những máy móc thiết bị nào để có thể liên kết hay tận dụng máy móc thiết bị hiện có nhằm giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu.


-          Từ nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm, nên hình thành thêm một TRỤC CÔNG NGHỆ dạng mở rộng cho dây chuyền sản xuất nữ trang bằng máy móc. Tất nhiên, thêm sản phẩm thì thêm máy móc và cái mới với cái cũ phải liên kết với nhau theo một dây chuyền hoàn chỉnh. TRỤC CÔNG NGHỆ dạng mở rộng này, bổ sung thêm Máy tạo ống, Máy quấn vòng, Máy làm trái châu và Máy làm dây chuyền…


Trong TRỤC CÔNG NGHỆ dạng mở rộng này, Máy tạo ống dùng để tạo ống tròn được hàn mép hay không hàn mép. Sau đó, dùng công nghệ chuốt ống hay kéo ống thông qua các khuôn định hình để tạo ra các ống có hình dạng đặc biệt (ngoài hình tròn) như: Hình bán nguyệt, hình ô-van, hình chữ nhật, hình vuông… Để tạo vòng đeo tay có đường kính trong là hình tròn hay hình ô-van hay hình vuông… thì phải cần đến Máy quấn vòng. Nói chung, hình dạng cũng chỉ xoay quanh những dạng hình học thông thường nhưng kích cỡ lớn hay nhỏ thì “muôn hình vạn trạng” tùy thuộc vào khuôn định hình và trục quấn vòng theo yêu cầu.


Máy làm trái châu tạo trái châu từ ống tròn do Máy tạo ống cung cấp. Tùy theo kích thước trái châu mà chọn khuôn trái châu phù hợp. Tóm lại, có thể tạo ra nhiều kích cỡ trái châu theo khuôn như mong muốn. Trái châu tạo ra, theo sự sáng tạo của ý tưởng, có thể để trơn hay khắc bằng dao kim cương cho ra những trái châu đầy màu sắc, có tính nghệ thuật thẩm mỹ cao.


Còn Máy làm dây chuyền, tất nhiên, đan ra các loại dây chuyền thuần túy như: Dây lật, dây cong, dây bi và dây hộp. Bên cạnh đó, tùy theo sự thăng hoa trong sáng tạo sẽ phát triển thêm nhiều mẫu mã dây chuyền mới “đẹp, độc, đinh, đỉnh”.


Chúng ta cùng nhau thử làm một bài toán vui như sau: Gọi ống được tạo ra từ Máy tạo ống là A, trái châu được tạo ra từ Máy làm trái châu là B và dây chuyền được tạo ra từ Máy làm dây chuyền là C. Chỉ cần phối hợp A, B, C và sắp xếp chúng không theo một trật tự nào thì sẽ có rất nhiều sản phẩm. Ví dụ: ABC, BAC, AABC, ABBC (Tất nhiên, luôn luôn chỉ có một C)… vân vân và vân vân. Chưa kể nếu phối thêm phôi đúc gọi là D thì với 4 chi tiết A, B, C, D sẽ tạo nên một MA TRẬN SẢN PHẨM MỚI nhiều vô kể, đa sắc màu. Đây là ưu điểm nổi trội của TRỤC CÔNG NGHỆ dạng mở rộng, cho phép phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm.


Như các bạn biết, cái đẹp bất động chưa hẳn là đẹp. Cái đẹp phải sống động, phải luôn luôn vận động, phải biến hình, phải thay đổi màu sắc, điều này phù hợp với sản phẩm là nữ trang. Do đó, để có được ý tưởng mới về mẫu mã nữ trang không đơn giản chút nào, không phải ngày một ngày hai là có được. Chỉ với 4 chi tiết rời rạc A, B, C, D là những chất liệu đầu tiên, là những gợi ý khởi đầu, từ đó, bạn có thể tạo ra nhiều sản phẩm mới. Bạn mặc sức, tha hồ lựa chọn để tìm ra sản phẩm ưng ý nhất, không còn vướng tâm lý: Thiếu ý tưởng, sản phẩm nghèo nàn, đơn điệu…


Nói tóm lại, mỗi TRỤC CÔNG NGHỆ có thế mạnh của riêng mình. Cái quan trọng là làm sao vận hành TRỤC CÔNG NGHỆ hoạt động ổn định và thông suốt. Mặt khác, tùy vào định hướng sản xuất, tùy vào khả năng đầu tư, bạn có thể lựa chọn TRỤC CÔNG NGHỆ phù hợp. Việc xác định đúng TRỤC CÔNG NGHỆ ban đầu đóng vai trò quan trọng trong dây chuyền sản xuất sau này. Cuối cùng, quyết định lựa chọn là ở bạn.

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

CÓ BỘT MỚI GỘT NÊN HỒ (Phần 1)



Câu tục ngữ này quá quen thuộc với chúng ta, có nghĩa là muốn làm được việc, muốn tạo ra được sản phẩm, trước hết phải có những điều kiện cơ bản, tiên quyết và cần thiết lúc ban đầu. Nếu không có những điều kiện trên thì không có thành quả sau cùng, vì nếu có làm cũng không đạt được như mong muốn. Cũng như việc muốn làm được ra hồ thì cần phải có bột.


Vì vậy, để sản xuất nữ trang theo qui mô lớn hay thu nhỏ cũng cần phải có những điều kiện ban đầu không thể thiếu là máy móc thiết bị, công nghệ và nhân lực. Điều này thì bất cứ người nào khi muốn đầu tư sản xuất nữ trang cũng phải biết. Ngoài ra, còn tùy theo vốn liếng, tùy theo tay nghề mà mỗi người tự xây dựng cho riêng mình qui mô sản xuất nữ trang phù hợp thực tế.
Trước tiên, khi đầu tư sản xuất nữ trang cần xác định được TRỤC CÔNG NGHỆ của qui trình sản xuất. Đây là nền móng cốt lõi để sản xuất ra các sản phẩm chủ lực và khi có điều kiện thì cũng chính từ đây phát triển ra các phân khúc mới cho các sản phẩm mới. Việc xác định đúng TRỤC CÔNG NGHỆ của qui trình sản xuất là rất quan trọng, rất cần thiết để tính toán chính xác việc đầu tư ban đầu cho máy móc thiết bị, công nghệ và nhân lực. 


Cái khái niệm TRỤC CÔNG NGHỆ trong sản xuất nữ trang rất đa dạng. Tùy theo qui mô sản xuất nữ trang, từ thủ công cho đến máy móc đều có TRỤC CÔNG NGHỆ đại diện. Quan trọng là làm sao vận hành TRỤC CÔNG NGHỆ trơn tru, đem lại hiệu quả cho sản xuất.
Dưới đây là các TRỤC CÔNG NGHỆ tiêu biểu:
1.      TRỤC CÔNG NGHỆ cho sản xuất nữ trang làm tay:
Mô hình này chủ yếu phụ thuộc vào tay nghề người thợ từ A đến Z. Từ “dẻ” (vàng hay bạc nguyên liệu), người thợ phải tự nấu, cán mỏng, kéo sợi, làm ổ hột (hột chủ), tự khoan lổ, vô hột nhỏ dùng mũi và búa đóng từng hột, sau đó làm nguội và đánh bóng… Ưu điểm của mô hình này là cơ động (ở đâu làm cũng được). Đầu tư ít, đơn giản và rẻ tiền, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách. Còn khuyết điểm là làm lâu, giá thành cao, rủi ro sản phẩm bị “trở” (hư) nhiều, sản phẩm không đồng dạng (một mẫu nhưng không bao giờ giống nhau sau mỗi lần làm), chất lượng sản phẩm (tuổi vàng) tùy thuộc vào đạo đức người thợ. Mô hình này chỉ còn tồn tại ở một số cơ sở nữ trang nhỏ lẻ, chuyên làm nữ trang không đòi hỏi độ khó cao hay ở các cơ sở nữ trang vùng sâu vùng xa, nơi mà máy móc và công nghệ khó tiếp cận.

2.      TRỤC CÔNG NGHỆ cho dây chuyền sản xuất nữ trang bằng máy móc:
Ngày nay, trong các thành phố lớn đã xuất hiện mô hình sản xuất nữ trang dạng công nghiệp, tức là công đoạn nào trong dây chuyền sản xuất nữ trang mà máy móc thay thế được sức con người thì sử dụng máy móc. Mô hình này đã khắc phục được hầu như tất cả các khuyết điểm của mô hình thủ công. Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này là đầu tư lớn, đòi hỏi đội ngũ nhân lực phải có trình độ kỹ thuật, trình độ quản lý…
Thực tế, khi đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất nữ trang, người chủ kim hoàn chỉ nghĩ đơn giản: Sản xuất sản phẩm nào thì đầu tư máy móc thiết bị cho riêng sản phẩm đó. Cho nên, khi chuyển hướng sang sản xuất sản phẩm khác thì lại phải đầu tư thêm máy móc, gây tốn kém, chưa kể không đồng bộ với dây chuyền sản xuất đã có. Vì vậy, khuyến cáo ngay từ đầu nên xác định được TRỤC CÔNG NGHỆ của qui trình sản xuất nữ trang để có thể phát triển hay mở rộng sau này. Giống như xây một tòa nhà, trước hết phải tính toán xây phần nền móng cho chắc chắn và kiên cố để sau này còn cơi nới thêm so với hiện trạng ban đầu mà không phải biến nó thành bình địa.


Dưới đây, xin giới thiệu một vài mô hình tiêu biểu của TRỤC CÔNG NGHỆ cho dây chuyền sản xuất nữ trang bằng máy móc từ dạng cơ bản đến dạng mở rộng.
-          TRỤC CÔNG NGHỆ dạng cơ bản cho dây chuyền sản xuất nữ trang bằng máy móc:
Thiết kế mẫu nữ trang 3D trên Máy vi tính  -> Máy tạo mẫu nữ trang bằng nhựa rê-sin hay bằng sáp -> Máy ép khuôn cao su / silicon -> Máy bơm sáp -> Máy đúc  -> Máy gia công nữ trang cơ bản như: Máy chà nhám, Mô-tơ treo (khoan, mài), máy cẩn hột, máy hàn… ->  Máy đánh bóng / xi mạ -> Máy chạm khắc (móc máy).

Nói chung, đây là TRỤC CÔNG NGHỆ thông dụng nhất được áp dụng cho các xưởng sản xuất nữ trang qui mô lớn. Còn đối với các xưởng sản xuất nữ trang qui mô vừa và nhỏ, tùy theo cách bố trí sản xuất và để tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, có thể liên kết lại với nhau. Mỗi xưởng chuyên sản xuất một công đoạn nào đó của TRỤC CÔNG NGHỆ và tất cả là một khối thống nhất bảo đảm cho dây chuyền sản xuất nữ trang hoạt động trơn tru.

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

SIÊU Ổ KÉO



Đối với khâu tạo phôi ban đầu trong sản xuất nữ trang như tạo sợi (tạo chỉ) hay tạo ống không thể thiếu công đoạn kéo còn gọi là chuốt. Trong công đoạn này, chắc chắn ổ kéo là công cụ chính chiến lược, công cụ “THIÊN BIẾN VẠN HÓA” để tạo nên “MUÔN HÌNH VẠN TRẠNG” cho phôi nữ trang ban đầu.
Mọi người đều nhẵn mặt với ổ kéo. Chúng chỉ là một công cụ sản xuất bình thường, không có gì cao siêu cả. Vì vậy, có phải “nổ” quá không, khi gọi chúng là SIÊU Ổ KÉO? Tất nhiên, ở đây, tôi xin giới thiệu ổ kéo công nghệ mới, khác hoàn toàn với ổ kéo hiện có. Chỉ cần nói sơ qua vài đặc tính nổi trội của loại ổ kéo này thì các bạn cũng phải công nhận gọi chúng lá SIÊU Ổ KÉO cũng không sai.


Như các bạn biết, cứ mỗi một ổ kéo thì chỉ tạo ra kích thước cố định cho duy nhất một loại phôi kéo ra. Cho nên, nhiều kích thước phôi thì phải cần nhiều ổ kéo là chuyện đương nhiên, khỏi phải bàn. Nhưng đối với loại SIÊU Ổ KÉO này, chỉ cần một mình nó là có thể tạo ra nhiều kích thước phôi khác nhau trong giới hạn điều chỉnh cho phép. Bởi vì, nó có thể điều chỉnh được kích thước lổ kéo theo yêu cầu để tạo ra kích thước phôi kéo ra như mong muốn. Điều này khiến ta liên tưởng đến một dạng ổ kéo “2 trong 1” hay “3 trong 1” hay nhiều hơn thế nữa…


SIÊU Ổ KÉO áp dụng công nghệ ổ kéo mới cho phép điều chỉnh kích thước theo 4 hướng (trên, dưới, trái, phải) để tạo ra kích thước lổ kéo theo yêu cầu. Khi kéo theo kích thước lổ kéo thứ nhất xong, chúng ta chỉ cần canh chỉnh kích thước lổ kéo mới để kéo tiếp và cứ như thế, canh chỉnh kích thước lổ kéo mới lại có một phôi mới được kéo ra. Phải khâm phục trí tuệ sáng tạo CAO SIÊU của người đã nghĩ ra điều này, cho nên, nó là vô địch trong các loại ổ kéo đơn thuần hiện nay. Nó là SIÊU Ổ KÉO.