Bài
2 : Sự trừng phạt của máy móc
Sự trừng phạt của máy móc muôn hình vạn trạng. Nhưng, có
cái gì đó mâu thuẫn, máy móc do con người tạo ra, con người làm chủ máy móc,
vậy tại sao lại chịu sự trừng phạt của máy móc?
Xét cho cùng, nguyên nhân sâu xa, xuất phát từ tư tưởng
chủ quan, thiếu hiểu biết, quá tin tưởng vào máy móc của con người như: Máy
mới và hiện đại, máy của nước ngoài nhập về, máy hoạt động tốt từ trước cho đến
nay không có vấn đề gì dù nó cũ kỹ, hư hỏng
lặt vặt. Cái tư tưởng ấu trĩ đó chế ngự sự khôn ngoan trong tâm trí con người. Ngày qua ngày, con người bằng lòng với hiện tại, quên lãng đi và mất cảnh
giác. Lúc đó, là thời cơ để máy móc ra tay trừng phạt con người thiếu phòng bị…
Các máy móc trong ngành kim hoàn, phần lớn đều nhập khẩu. Tiêu chuẩn an toàn điện ở nước ngoài qui định phích cắm điện từ dây nguồn của
máy móc cắm vào ổ điện phải là 3 chấu ( chấu thứ ba dùng để nối với đường tiếp
đất chống bị điện giật khi rò rỉ điện ). Đa số ổ cắm hiện nay đang sử dụng chỉ
phù hợp với phích cắm 2 chấu. Cho nên, khi gặp loại phích cắm 3 chấu, thay
vì phải thay ổ cắm phù hợp, chúng ta thường tiện tay cắt bỏ cái chấu thứ ba này
một cách vô tư mà không biết rằng đó là sai lầm chết người trong kỹ thuật điện như
đã nói ở trên. Chúng ta nên chọn giải pháp nào: Mất một chút thời gian và tốn
một ít chi phí để thay ổ cắm khác phù hợp hay là làm cẩu thả cho xong chuyện rồi
nhận lãnh hậu quả nặng nề về sau?
Máy móc sử dụng lâu ngày, cũ kỹ, xuống cấp, đòi hỏi phải
thay thế các chi tiết già cỗi, hao mòn,
biến dạng theo thời gian, trong khi đó hệ thống điện thì tệ hại, chằng chịt
như mạng nhện và câu móc tùm lum. Đã không bảo dưỡng vậy mà chúng ta coi như
không có vấn đề gì, ung dung cho máy hoạt động bình thường. Tức mình, máy gây
rò rỉ điện và từ chối hợp tác khi có người “ vuốt ve “.
Để chế ngự tính khí thất thường về điện của máy móc, con
người cũng đã tạo ra biết bao công cụ để răn đe máy móc như: Cầu chì, cầu dao, áp-tơ-mát…Chỉ vì sự ỷ lại, sự quá tự tin mình làm chủ máy móc, cho nên,
chúng ta xem nhẹ việc trang bị những thiết bị điện bảo vệ như trên, nếu có
trang bị cũng qua loa, chiếu lệ. Đến khi máy móc nổi “điên … nặng “ lên, chúng ta trở tay không kịp
và mọi chuyện đã rồi.
Việc sử dụng máy móc không đúng với sự phân công định sẳn
cho nó cũng gây nên biết bao hệ lụy. Máy thiết kế chỉ dùng riêng một chức năng
với những điều kiện đi kèm nhưng chúng ta lại “ ép “ nó làm việc trái nghề, làm
quá công suất. Đã vậy, thêm máy móc, thêm thiết bị nhưng hệ thống điện thì lạc
hậu, không đáp ứng đủ nhu cầu. Tất nhiên được việc cho chúng ta nhưng sức chịu
đựng của máy móc thì có giới hạn và sự quá tải về điện sẽ làm “ đứt … bóng “ máy
móc. Trong khi đó, chúng ta “ đứt … từng đoạn ruột “ vì tài sản bị Bà Hỏa tịch
thu , ngoài ra còn bị “ đứt … hơi “ vì chạy trối chết thoát nạn.
Qua đây , chúng ta đánh giá được mức độ nghiêm trọng khi
máy móc “ điên … nặng “. Sự cần thiết trong việc đề ra các biện pháp an toàn về
điện không phải chỉ là lời nói suông, là khẩu hiệu hình thức mà phải tồn tại
thường xuyên trong ý thức tự bảo vệ mình của mỗi người khi tiếp xúc với điện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét