Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

MÓN QUÀ GIÁNG SINH ĐẶC BIỆT



Thế là thở phào nhẹ nhõm! Ròng rã hơn ba tháng trời mất ăn mất ngủ cũng chỉ vì món quà này. Bây giờ, nhìn lại chặng đường đã qua với bao khó khăn chồng chất, tưởng chừng muốn bỏ cuộc nhưng có một phép mầu nào đó đã mê hoặc chúng tôi, thôi thúc chúng tôi tiến về phía trước, đạp lên mọi thất bại để có thành quả như bây giờ. Và càng có ý nghĩa hơn, khi thành công của chúng tôi lại rơi vào đúng dịp Gíang sinh 2013. Đây đúng là món quà Gíang sinh đặc biệt và “độc nhất vô nhị”.
Cuộc gọi lúc nửa đêm
Bị phá giấc ngủ vì những hồi chuông điện thoại reo liên tục lúc đêm khuya, phiền thật nhưng khi tiếp chuyện với vị khách xa lạ thì tỉnh ngủ ngay. Giọng nói của vị khách từ đầu dây bên kia nhẹ nhàng, từ tốn cứ y như là mật rót vào tai. Sau vài câu tìm hiểu về nhau, vị khách đi thẳng vào vấn đề: Đặt làm một mề -đây kim loại đeo trên người. Mặt trước có hình Đức Chúa Cha. Mặt sau là hình dấu ấn tín của giáo hội đóng lên sáp đỏ, một dạng niêm phong thư từ thời xưa. Qua điện thoại không thể diễn tả trọn vẹn, vì vậy hẹn vị khách “nửa đêm” đến chúng tôi để bàn bạc cụ thể hơn. 

Bàn tay Chúa sắp đặt
Thú thật, đây là vật phẩm tôn giáo, chúng tôi chưa từng sản xuất. Nhưng không hiểu vì sao, vị khách lại chọn chúng tôi và kỳ vọng ở chúng tôi rất nhiều. Không thể phụ lòng vị khách và cũng để khẳng định giá trị của mình, chúng tôi chấp nhận thử thách. Vị khách cung cấp hình ảnh, ý tưởng và những yêu cầu cụ thể, còn chúng tôi sản xuất theo đơn đặt hàng. Sợi dây vô hình đã gắn kết chúng tôi với vị khách cứ y như là có “bàn tay của Chúa” sắp đặt trước vậy!
Thử thách cam go
Ngay từ đầu, khâu thiết kế cũng gặp vài khó khăn như: Vị khách muốn thật hoàn hảo trong tác phẩm tinh thần của mình nên thay đổi ý tưởng “chóng mặt”, do đó, chúng tôi phải chỉnh sửa thiết kế liên tục. Đã vậy, không có mẫu thật hay tương tự để tham khảo, tất cả chỉ  dựa vào hình ảnh và vài thông tin sơ sài. Vị khách yêu cầu nơi nào “nổi lên” hay “chìm xuống” đều trông chờ vào tay nghề của người thiết kế. Vẽ một hình ảnh trừu tượng đòi hỏi sự sáng tạo rất nhiều so với những gì có sẳn nhưng đây lại là một sản phẩm tâm linh, cần có cái hồn, cái thần thái trong từng nét vẽ. Cuối cùng, sau những trầy trật thì cũng hoàn thiện và điều mà chúng tôi thành công là khuôn mặt của Đức Chúa Cha thánh thiện, đẹp rạng ngời và vị khách rất hài lòng về điều này. Cũng mất khá nhiều thời gian và tâm huyết đấy!
Từ thiết kế chuyển sang tạo mẫu đúc bằng nhựa rê-sin cũng lắm công phu. Khi vẽ thì tuân thủ chặt chẻ những chuẩn mực về hình ảnh của các Đấng tôn kính, kết hợp với nhãn quan tín ngưỡng tạo nên tác phẩm nghệ thuật đẹp như tranh tôn giáo. Về mặt thiết kế là như vậy nhưng thực tế lại không ủng hộ chúng tôi. Do tác động của giá thành, do kết cấu của sản phẩm là sản phẩm kim loại có kích thước nhỏ và sản xuất hàng loạt, do bị khống chế về thời gian, nên chúng tôi chọn phương pháp đúc. Mẫu đúc càng đơn giản thì càng dễ đúc, còn ngóc ngách, “hàm ếch”, phức tạp thì sác xuất đúc thành công rất thấp.Vì vậy, phải chỉnh sửa lại mẫu đúc, chỉ giữ lại những nét chủ đạo, những nội dung tôn vinh là chính nhằm phù hợp với thực tế sản xuất. Cũng phải giải thích với vị khách những vướng mắc như trên để được sự đồng thuận.

 Đoạn đường đã đi được 50% nhưng 50% còn lại là cả một thử thách cam go. Những lần đúc ra đều thất bại hoàn toàn. Sự lo âu hiện rõ trên từng nét mặt. Lại phải đau đầu tìm ra nguyên nhân và thử nghiệm nhiều phương án để tìm ra đáp số. Cuối cùng, chúng tôi quyết định tách mẫu đúc ra làm hai phần ( hai mặt) riêng rẽ, tiến hành đúc rời từng chi tiết rồi lắp ghép lại. Rõ ràng phần thiệt thuộc về chúng tôi vì giá cả đã “chốt hạ”. Đây là sản phẩm tâm linh, dùng để ban tặng, không có tính chất mua bán, nên chúng tôi cũng không mặc cả làm gì, cứ thế thực hiện công việc mà “Chúa” đã giao phó.

       


      Thế là phải làm lại từ đầu, trước hết là tạo hai mẫu đúc khác, tốn thêm chi phí và kéo dài thời gian. Lần đúc mẫu mới này chỉ thành công chi tiết có hình Đức Chúa Cha, còn chi tiết có dấu ấn tín hoàn toàn thất bại. Chúng tôi cứ kiên nhẫn chỉnh sửa mẫu đúc của ấn tín sau nhiều lần rút tỉa kinh nghiệm nhưng vẫn không có kết quả như mong muốn. Tốn kém nhiều, đưa ra rất nhiều giải pháp nhưng vẫn là con số không. Tư tưởng buông xuôi và chán nản bắt đầu lởn vởn trong đầu.

         Ơn Trên phù hộ
Hình như có một động lực vô hình nào đó tác động vào suy nghĩ của chúng tôi. Thực tế có khó khăn bao nhiêu thì càng thôi thúc chúng tôi theo đuổi mục đích đến cùng. Chúng tôi cảm kích sự chia sẻ khó khăn và đặt trọn niềm tin vào chúng tôi trước sau như một của vị khách. Thôi thì cứ cho rằng: “Chúa đang thử thách lòng tin của chúng tôi dành cho Ngài”. Sự quyết tâm của chúng tôi sau một thời gian bền bỉ vật lộn với khó khăn ròng rã ba tháng trời, cũng có kết quả khả quan. Những mẫu đúc cuối cùng cũng “chịu phép”.

          

Qua đó, chúng tôi học được rất nhiều điều: về lòng tin, về tín ngưỡng, về sự hợp tác thân thiện, về sự kiên định trong lập trường, về những thiếu sót của qui trình quản lý kỹ thuật sản xuất, về việc dám nghĩ , dám làm. Chúng tôi đã và đang trưởng thành từng ngày. Vị khách vui mừng vì thực hiện được ước nguyện bấy lâu ấp ủ, còn chúng tôi thì bằng lòng với thành công ban đầu về loại sản phẩm đặc biệt này.
Món quà dâng tặng Chúa
Tuy chỉ hoàn thiện vỏn vẹn đúng 100 cái theo yêu cầu của vị khách, riêng chúng tôi chẳng có lấy một cái để giữ lại cho riêng mình làm quà. Món quà mà những người ngoại đạo như chúng tôi dâng tặng Chúa là thành quả lao động để tôn vinh Ngài. Không sao, chúng tôi đã tạo ra được thì chúng tôi sẽ có được món quà đó cho mình. Hãy cầu nguyện và chúc phúc cho 100 người may mắn nhận được món quà đầu tiên này trong dịp lễ Gíang sinh 2013.

              

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

KỸ VẬT HỒI SINH



Sự hồi sinh là phép mầu của tạo hóa. Sự hồi sinh đánh thức sự sống, giũ bỏ mọi quá khứ, mở ra một chân trời mới với bao ước vọng về một sự đổi thay hoàn hảo. Tất nhiên, chúng ta không ảo tưởng về một sự hồi sinh cho vạn vật nhưng chúng ta vẫn có thể làm sống lại những kỹ vật đã “chết”, đã bị lãng quên theo năm tháng… Tại sao không nào ? 



Trên thực tế, những sản phẩm nữ trang đã qua thời “vàng son” thì hiếm hoi sống lại. Chúng nhanh chóng kết liễu sự tồn tại của mình sau một thời gian phô bày vẻ đẹp của tuyệt tác. Ngọn lửa của tử thần thiêu đốt thể xác chúng tạo thành dòng dung nham nóng đỏ. Và từ đây nhửng hình hài của những mẫu nữ trang mới sẽ chào đời. Vòng đời luân chuyển của chúng chỉ gói gọn bấy nhiêu, dài lâu hay ngắn ngủi cũng chỉ do con người.




Có thể chẳng có gì phải bận tâm vì chúng chỉ là những vật vô tri vô giác, được những nghệ nhân khoác lên mình tinh hoa của vũ trụ, sự huyền ảo của thế giới tâm linh và sắc màu của thiên nhiên kỳ vĩ. Sau khi đã thỏa mãn niềm đam mê cháy bỏng, con người mau chóng quên đi giá trị cống hiến của chúng. Thế là, chúng trở thành quá khứ, mãi mãi chôn vùi rất sâu, rất lâu trong tiềm thức con người. Có ai biết được giá trị còn lại của chúng đang ẩn chứa một sức mạnh vô biên của sự hồi sinh mãnh liệt.


Hãy thử nghĩ xem: Chúng là thành quả của sự sáng tạo. Chúng ta lưu giữ chúng bằng hình ảnh thông qua ca-ta-lô điện tử, đồng nghĩa với việc chúng ta trân trọng công sức của mình. Qua đó, giới thiệu cho mọi người thấy được quá trình và thời gian cống hiến của chúng ta, thấy được năng lực và kinh nghiệm của chúng ta trong ngành kim hoàn. Đúng là “Một tấm hình hơn ngàn lời nói”! Chúng thay ta gởi thông điệp “thay lời muốn nói” đến mọi người bằng sự chân tình và THIỆN CHÍ. Với hành động cụ thể này, chúng ta đã làm chúng hồi sinh và chúng ta hoàn toàn tự hào về sự hồi sinh này. Đây là sự hồi sinh thứ nhất.


Không những thế, khi chiêm ngưỡng lại từng sản phẩm nữ trang qua ca-ta-lô điện tử, chúng ta có thể “ngộ ra” rất nhiều điều mà trước kia thời gian không cho phép chúng ta nhận ra. Có thể trước đây, chúng ta mắc sai lầm trong thiết kế như: sự phối hợp giữa màu sắc, hoa văn, đường nét, hình dáng không hài hòa, không tạo ấn tượng. Khi đó, chúng ta không nhận ra sự thất bại này vì chúng ta còn mãi chế tác những sản phẩm nữ trang khác. Bây giờ có dịp nghiền ngẫm lại, chúng ta sẽ sửa chữa những sai sót đó, tạo ra những ý tưởng mới, thổi hồn vào nó và làm cho nó hồi sinh lại với một hình hài mới. Với việc nhận ra điều này, chúng ta đang tự hoàn thiện mình thông qua những giá trị còn lại của chúng bằng hình ảnh. Đây là sự hồi sinh thứ hai.


Đối với ngành kim hoàn, sáng tạo giống như nguồn sáng mặt trời chiếu rọi, còn cây “nữ trang” thì hấp thụ nó, phát triển “vàng rực và lấp lánh kim cương”, đơm “bông tai” kết trái “vàng” giữa thanh thiên bạch nhật. Không thể hình dung được khi ngành kim hoàn không có hay thiếu sự sáng tạo nghệ thuật. Khi đó, cây “nữ trang” là một cái cây èo uột, trơ trọi mọc lên giữa nơi khô cằn, không có ánh sáng. Nhưng sự sáng tạo không phải tự dưng mà có, đòi hỏi phải có một quá trình làm việc liên tục, tư duy không ngừng nghỉ và sự nhạy bén, sắc sảo trong nhận định. Đến một lúc nào đó, sự sáng tạo sẽ dừng lại, sẽ bảo hòa và những ý tưởng thì cạn kiệt, đe dọa sự sống còn của cây “nữ trang”. Biết đâu được, khi lần dở từng trang ca-ta-lô điện tử, vô tình chúng ta góp nhặt từng chi tiết nhỏ đâu đó, rải rác trên từng sản phẩm nữ trang được lưu lại, chợt lóe lên trong đầu ta những manh nha của những ý tưởng mới. Thế là, tập hợp lại và bắt tay vào thiết kế: Một sản phẩm nữ trang mới lạ, độc đáo ra đời từ sự hồi sinh của những kỹ vật bị lãng quên. Đây là sự hồi sinh thứ ba.


Tóm lại, việc lưu giữ hình ảnh sản phẩm nữ trang qua ca-ta-lô điện tử không chỉ đem lại những mặt tích cực cho ngành kim hoàn. Đây có thể coi như một ý tưởng lưu giữ mới lạ, độc đáo, áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến truyền tải hình ảnh sống động, y như thật. Chắc chắn một ngày không xa, các bạn sẽ nhận thấy những tiện ích không thể thiếu trong nhu cầu cần lưu giữ những kỹ vật qua ca-ta-lô điện tử.



Sự hồi sinh của kỹ vật qua ca-ta-lô điện tử mở ra những tầm nhìn mới, những chân trời mới cho nghề kim hoàn còn nhiều tiềm năng chưa khai phá hết.