Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

ĐƠN GIẢN HAY PHỨC TẠP ?

Khi trở thành người thợ bạc, điều đầu tiên là phải biết tạo ra một chiếc nhẫn đơn giản bằng chính đôi bàn tay của mình, không lệ thuộc vào ai. Đây là bài học cơ bản, làm nền tảng ban đầu để sau này bạn đủ tự tin tạo ra nhiều chiếc nhẫn khác độc đáo hơn, phức tạp hơn. Không chỉ có nhẫn mà các nữ trang tinh xảo khác như: bông tai, vòng, lắc… cũng phải khuất phục dưới đôi bàn tay thiện nghệ của bạn.

Thú thật, không dám “ Múa rìu qua mắt thợ”. Bài viết này, mục đích hướng dẫn cho những bạn tập tễnh bước chân vào nghề thợ bạc có thể ứng dụng mọi bài học mà các thầy đi trước đã truyền dạy để làm ra một sản phẩm nữ trang đơn giản. Dưới đây là sơ bộ các bước thực hiện nhẫn cưới đơn giản theo phương pháp thủ công như sau:

TẠO PHÔI
Đầu tiên, bạn dùng đèn khò nấu chảy vàng vụn thành dạng lỏng, rồi đổ thảo, đúc thành phôi.



CÁN PHÔI
Sau khi đúc, phôi có hình dạng thỏi, dài ngắn bất kỳ. Do đó, bạn phải tiến hành cán phôi nhiều lần để biến hình từ thỏi vàng sang sợi vàng có hình dạng phôi nhẫn theo sự lựa chọn ban đầu của bạn. Tuỳ theo  mặt cắt của nhẫn là hình vuông hay hình bán nguyệt và độ dày mỏng của nhẫn cũng khác nhau mà bạn chọn rãnh cán cho phù hợp.

Lưu ý: Trước mỗi lần cán cũng nên nung nóng sơ qua phôi bằng đèn khò để tạo độ mềm dẻo cho phôi, giúp cho quá trình cán được nhẹ nhàng.


Trên trục cán của máy cán có nhiều rãnh cán định hình phôi với nhiều kích thước từ lớn cho đến nhỏ dần. Mỗi lần cán phôi phải tuân theo trình tự cán hạ kích thước phôi theo chiều cao giảm xuống từng bậc một (khoảng 1-2 mm) cho đến khi đạt được kích thước mong muốn. Tuyệt đối không vì nôn nóng, tiến hành cán hạ kích thước theo chiều cao quá chênh lệch giữa hai lần cán sẽ dẫn đến kẹt phôi và máy không cán được. Đây là bước cán thô.

Bạn còn phải qua bước cán tinh sau cùng để định hình chính xác cho phôi và tạo bề mặt phôi láng đẹp, giảm được thời gian cũng như công làm nguội.

 UỐN THÀNH HÌNH CHIẾC NHẪN
Sau khi có được phôi như tính toán, bây giờ là lúc cần đến đôi bàn tay khéo léo của bạn để uốn từ phôi thẳng thành hình vòng thô dạng chiếc nhẫn. Tất nhiên, bạn phải dùng một cái kìm đặc biệt của thợ kim hoàn, chuyên dùng để uốn vòng, hổ trợ bạn trong thao tác này.

Trước tiên, bạn phải lấy dấu kích thước ni tay của chiếc nhẫn dự định làm. Bạn phải qui đổi từ đường kính ni tay của nhẫn thành kích thước dài để lấy dấu trên phôi. Theo kinh nghiệm, bạn nên lấy dấu ở phần giữa phôi và sẽ cắt bỏ hai đầu phôi cũ, tạo ra hai đầu phôi mới có mặt cắt láng phẳng.


 Để cho dễ uốn , bạn cũng nên dùng đèn khò hơ nóng cho phôi mềm. Tiếp theo, bạn dùng kìm kết hợp với sức mạnh của đôi bàn tay và nhãn quan của đôi mắt , uốn dần từng đoạn ngắn trên suốt chiều dài phôi để tạo thành đường cong rồi dần dần thành vòng tròn, cốt yếu sao cho hai đầu phôi càng gần lại với nhau càng tốt



CƯA BỎ PHẦN PHÔI THỪA Ở HAI ĐẦU PHÔI:
Bây giờ là lúc, bạn dùng cưa cắt bỏ phần phôi thừa ở hai đầu đã được đánh dấu lúc trước. Mục đích của việc cưa này là giữ lại đúng kích thước ni tay như ban đầu đã chọn, ngoài ra còn tạo mặt cắt ở hai đầu phôi phẳng, thuận lợi cho việc đấu sát hai đầu phôi lại với nhau thành vòng tròn khép kín, có khe hở nhỏ nhất.



 HÀN NỐI HAI ĐẦU PHÔI:
Sau khi uốn xong, bạn có một vòng tròn khép kín hình chiếc nhẫn. Để bít kín khe hở chổ hai đầu phôi đấu vào nhau, bạn dùng đèn khò và một ít vụn vàng có tuổi vàng giống tuổi vàng của chiếc nhẫn, hàn kín lại. Sức nóng của đèn khò làm tan chảy vụn vàng và lấp đầy khe hở, tạo sự liền lạc cho chiếc nhẫn.


Đến đây coi như đã tự tay làm xong chiếc nhẫn, chỉ có điều nó còn thô kệch và bề ngoài còn xấu xí. Vì vậy, phải qua công đoạn làm nguội để tân trang, “mông má” làm toát lên vẻ đẹp đích thực và giá trị của vàng ẩn dưới hình hài xấu xí kia.

 CHỈNH SỬA ĐỊNH HÌNH NHẪN:
Trong quá trình uốn thành hình chiếc nhẫn bằng tay, do bạn uốn một cách tự do, không theo khuôn mẫu nào cả, chỉ quan tâm làm sao tạo ra được vòng tròn khép kín. Do đó, không tránh khỏi vòng tròn không tròn đều.  Vì vậy, bạn phải chỉnh sửa để định hình cho nhẫn được tròn đều.

Trước hết, dũa sạch phần lồi lõm mặt bên trong nhẫn, ở chổ vừa hàn nối xong. Sau đó, tròng chiếc nhẫn vào nòng đo ni tay, dùng búa gỗ gõ đều vào mặt ngoài nhẫn, cho đến khi chiếc nhẫn ôm sát vào nòng đo ni tay ngay đúng vị trí ni tay đã chọn ban đầu là được



LÀM NGUỘI, ĐÁNH BÓNG NHẪN:
Làm nguội có tác dụng tạo cho bề mặt nhẫn trơn láng, sáng bóng, loại bỏ những phần dư ra, lồi lõm trên bề mặt, những chổ sần sùi làm mất đi tính thẩm mỹ của chiếc nhẫn. Quan sát chiếc nhẫn, chỉ có mối hàn nối là đáng quan tâm vì trong quá trình hàn, kim loại ở chổ đó tiếp xúc với ngọn lửa hàn làm biến dạng gây xấu bề mặt.


Trước hết, bạn phải phá lớp kim loại dư, nổi cộm trên bề mặt mối hàn. Nếu bề mặt làm nguội là mặt phẳng thì nên dùng dũa. Còn bề mặt làm nguội là mặt cong hay vòng tròn thì dùng máy mài tay gắn đá mài trụ tròn. Khi nào bề mặt lớp kim loại hàn thêm vào và lớp kim loại nền của nhẫn liền với nhau, không có gờ là được. Đây là giai đoạn xử lý bề mặt thô nên bề mặt có nhiều vết trầy xước do tác dụng của dũa và đá mài để lại. Do đó, để có được bề mặt làng mịn, trơn tru, tiếp theo, bạn nên dùng giấy nhám mịn chà kỹ để tạo nên bề mặt nhẫn như ý.

 ĐÁNH BÓNG NHẪN:
Để làm cho chiếc nhẫn sáng bóng lên, có màu sắc tự nhiên của vàng, bạn phải đánh bóng nhẫn. Đây là công đoạn sau cùng đánh giá lại toàn bộ kết quả của quá trình làm ra chiếc nhẫn. Nhẫn đẹp hay không đẹp đều lộ ra sau khi đánh bóng xong.

Đánh bóng là một dạng làm sạch bề mặt nhẵn, loại bỏ các chất không mong muốn bám trên bề mặt nhẫn làm lu mờ màu sắc của vàng cũng như vẻ đẹp của nhẫn.
Thông thường, dùng bánh xoáy để đánh bóng mặt trong của nhẫn. Còn bánh vải dùng đánh bóng mặt ngoài của nhẫn. Tất nhiên, không quên dùng lơ đánh bóng.


Ngoài ra, bạn có thể rửa sạch nhẫn bằng máy rung siêu âm. Coi như bạn đã làm sạch nhẫn đến “chân tơ kẽ tóc” rồi đó! Như thế mà nhẫn vẫn không sạch thì phải xem lại.
  


Cuối cùng, sau bao nỗ lực, công sức của bạn đã được đền đáp. Rất thú vị và tự hào khi chiêm ngưỡng tác phẩm đầu tay của mình. Từ đây, nó sẽ là nguồn động lực giúp bạn tự tin hơn khi dấn thân vào nghề kim hoàn.





Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

ĐÃI CÁT TÌM VÀNG

Tìm một cái nghề phù hợp với mình trong thời buổi kinh tế khó khăn là chuyện nan giải. Ai ai cũng vậy, khi đến tuổi trưởng thành đều phải kiếm cho mình một cái nghề, chí ít cũng nuôi sống bản thân mình, không lệ thuộc vào người khác, chứ chưa nói đến phải nuôi gia đình.
Đâu phải ai ai cũng tìm được cho mình một cái nghề như ý muốn. Hàng năm, biết bao nhiêu sinh viên đại học, cao đẳng và các trường nghề ra trường, với tấm bằng trong tay nhưng không tìm nổi cho mình một chổ đứng trong xã hội. Huống hồ, những người không có bằng cấp thì làm sao chen chân. Đối với nước ta, vấn đề việc làm, CUNG VƯỢT CẦU là chuyện cần cả xã hội chung tay góp sức tháo gở nghịch lý muôn thuở này. Đây cũng là một bài toán khó đòi hỏi các nhà hoạch định chiến lược kinh tế cần có đáp án cụ thể để đưa nền kinh tế đất nước đi lên.
Vấn đề hiện nay đối với các bạn trẻ là định hướng nghề nghiệp tương lai. Khi lớn lên, làm sao mà đoán biết được mình thích hợp với nghề nào? Đối với những người từ nhỏ đã được người lớn hướng theo một nghề nào đó thì vô cùng thuận lợi, cứ thế mà phát triển. Họ là những người  quá may mắn trong nghề nghiệp. Thật là đáng trách và vô cùng hối tiếc, khi những người trẻ tuổi, thiếu suy nghĩ từ bỏ cơ hội nằm trong tầm tay của mình. Một số rất ít sớm xác định tương lai của mình ngay khi còn ngồi ghế nhà trường và theo đuổi hoài bảo đến cùng. Tuy nhiên, cũng không thể đoán trước được có thành hiện thực trong tương lai hay không? Còn đối với những người không có một chút “vốn liếng” (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) lận lưng thì không khỏi bỡ ngỡ khi bước ra đời.

Mình chọn nghề hay nghề chọn mình? Câu hỏi xem qua có vẻ đơn giản nhưng để trả lời thì không dễ chút nào. Nghề nghiệp thì có đến hàng vạn, hàng triệu nhưng tâm đắc chỉ có một. Chọn cái nghề nào đó phù hợp với mình, tạo cho mình một sự đam mê, gắn bó suốt cuộc đời, không phải ai ai cũng được toại nguyện như ý muốn. Tất nhiên, có những khó khăn nhất định về sức khoẻ, về trình độ, về tư tưởng, về tiền bạc, về phong tục tập quán, về môi trường sống và về định kiến của gia đình, khi bạn chọn cho riêng mình một cái nghề. Vạn sự khởi đầu nan trên con đường lập nghiệp.
Thôi thì cứ cho rằng: Bạn không gặp may khi chọn nghề thì cũng nên bằng lòng với việc nghề chọn mình. Biết đâu được, đây có thể là một bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời của bạn. Tôi xin giới thiệu với bạn một cái nghề thú vị. Đó là nghề thợ bạc. Nghề này không đòi hỏi sức khoẻ, không đòi hỏi trình độ cao, chỉ cần sự đam mê cùng cái đầu nhạy bén, có tính cần cù nhẫn nại, có đôi bàn tay khoé léo và đôi mắt tinh anh. Tất nhiên, không phải ai ai, khi sinh ra cũng đều có sẳn những tố chất trên để đứng vào hàng ngũ thợ bạc. Đã từng có nhiều người khi bắt đầu học nghề không có lấy một chút kiến thức gì về nghề thợ bạc nhưng họ có sự quyết tâm và đam mê với nghề. Dần dần qua tôi luyện, qua thử thách trong công việc đã hình thành nên những tố chất trên và chúng sẽ theo suốt con đường nghề nghiệp của họ. Vàng thật phải qua lửa thử mới biết là vậy!

    
Bất cứ nghề nào cũng vậy, không nhất thiết học xong nghề là sống với nghề đó. Nghề thợ bạc cũng không thoát khỏi. Vì vậy, phải xác định tư tưởng ngay từ đầu khi học nghề thợ bạc: Nếu có điều kiện thì ra mở tiệm, còn không thì chấp nhận làm công để tích luỹ kinh nghiệm mai sau làm chủ. Người nào chịu khó, tay nghề ngày một nâng cao thì trụ vững với nghề coi như được Tổ đãi. Còn người nào không chịu vận động, không chịu phát huy những kiến thức cũng như những kinh nghiệm được các thầy truyền dạy thì sớm muộn gì cũng sẽ bị đào thải. Đó là qui luật “Đãi cát tìm vàng” trong nghề thợ bạc nói riêng và trong tất cả các nghề khác cũng không sai . Tôi đã vach ra những khó khăn và thuận lợi khi làm nghề thợ bạc. Bạn có quyền đắn đo, cân nhắc trong mọi lựa chọn nhưng nếu bạn không dám quyết định, không tin vào chính bản thân mình thì coi như bạn đã bỏ qua một cơ hội nghề nghiệp.
   
 

Đãi cát tìm vàng” chỉ là thành ngữ ví von sự khắc nghiệt trong cạnh tranh nghề nghiệp chung chung, nhưng trong nghề thợ bạc lại khác: “Đãi cát tìm vàng… thật” là có thật 100% đấy nhé! Không tin bạn thử học nghề thợ bạc đi nào! Cái quan trọng để có “vàng thật”, bạn phải mất nhiều thời gian và công sức để “đãi cát”. Vậy bạn có muốn bắt tay vào “đãi cát” không? Khi bạn đọc những dòng chữ này, coi như cái nghề này đã chọn bạn. Còn bạn có hứng thú với nó hay không thì tôi hy vọng, sau khi bạn đọc xong bài viết này, bạn sẽ thay đổi suy nghĩ…