Nữ trang là một loại hàng
hoá đặc biệt, ngoài giá trị vật chất lớn lao ra, chúng còn khẳng định đẳng cấp
của người sở hữu. Không những thế, khi khoác lên mình những nữ trang cầu kỳ, đắt
tiền, vô hình chung tạo nên những dấu nhấn, tô điểm thêm vẻ đẹp của người chủ
khi có chúng ở bên cạnh. Đối với mẫu mã nữ trang, để tôn vinh vẻ đẹp của tạo hoá
cần có sự hoàn mỹ. Sự hoàn mỹ là linh hồn của nữ trang.
Đôi lần, khi ngắm nhìn nữ
trang, bạn bị chúng mê hoặc nhưng khi hỏi về giá trị của chúng bạn phải thốt lên
với sự hoài nghi: “Sao mắc thế?” Mặc cho những lời giải thích, bạn cứ lắc đầu và
không tin đó là sự thật. Bạn có biết đâu: Để đạt được sự hoàn mỹ trong từng tác
phẩm nghệ thuật kim hoàn là cả một quá trình hội tụ những tinh hoa về trí tuệ,
về tay nghề của người thợ kim hoàn. Sản phẩm càng tinh xảo, càng độc đáo thì công
sức và chi phí đầu tư càng nhiều và ngược lại.
Trước hết, muốn có một tuyệt
tác nữ trang thu hút mọi ánh nhìn, bật lên bao tiếng trầm trồ thán phục, bạn cần
“động não” để phác hoạ nên ý tưởng, vẽ nên chân dung mẫu nữ trang. Thời gian từ
khi loé lên “tia sáng cuối đường hầm” cho đến khi tạo dựng hình hài nữ trang là
cả một chặng đường dài đương đầu với biết bao thử thách, bao cái giá phải trả.
1.Suy nghĩ để
ra ý tưởng không dễ. Có ý tưởng rồi, phác hoạ ra chân dung không khó. Còn từ bản
vẽ chuyển thành mẫu, thực tế không đơn giản chút nào! Nhiều khi trong quá trình
chế tác mẫu theo bản vẽ, gặp trường hợp lý thuyết trên bản vẽ không phù hợp với
thực tế tạo mẫu. Người vẽ chỉ có sự tưởng
tượng trong đầu, không lường trước hết mọi vấn đề phát sinh, bắt tay vào làm mới
đụng chuyện. Do đó, phải mất thời gian chỉnh sửa bản vẽ và thời gian tạo lại mẫu
lần nữa, có thể là hai hay ba lần không biết chừng… Chưa kể đến mỗi khi thay đổi
bản vẽ là kéo theo thay đổi cách làm, thay đổi trang thiết bị, kéo theo cả một
sự xáo trộn. Đây là cái giá thứ nhất
về thời gian.
2.Cái khó nhất là tính toán
cách tạo ra mẫu dựa trên bản vẽ gồm những bước thực hiện như thế nào? Tất nhiên
có những cách phải làm bằng tay, có những cách phải làm bằng máy. Quan trọng nhất
là cách bố trí, sắp xếp thợ thuyền, máy móc sao cho phù hợp, rút ngắn thời gian
sản xuất. Bạn nên biết rằng làm bằng tay chỉ phù hợp với sản xuất đơn chiếc, nhỏ
lẻ, lợi nhuận không nhiều. Còn khi có đơn hàng nhiều , đòi hỏi thời gian và chất
lượng thì phải sử dụng máy móc. Đây là bước bạn lên kế hoạch cũng như phương án
sản xuất đáp ứng với điều kiện sẳn có. Nếu trong dây chuyền sản xuất không đáp ứng
được, bạn phải nghĩ tới hướng đầu tư thêm để mở rộng sản xuất hay liên doanh ,
liên kết. Đây là cái giá thứ hai về đồng vốn.
3.Khi đã xác định được các
bước chế tác nữ trang, công việc kế tiếp là tìm kiếm máy móc thiết bị phù hợp với
từng bước chế tác. Máy móc thì nhiều mẫu mã, nhiều chủng loại, nhiều thương hiệu,
nhiều giá cả… thậm chí ngay cả máy móc trong nước hay nhập ngoại, cũng làm bạn đau
đầu trong việc chọn lựa.Tiêu chí để lựa chọn bao giờ cũng là: “Đầu tư hiệu quả,
thu hồi vốn nhanh”. Nói thì dễ nhưng làm thì mới khó. Những công ty lớn, có sẳn
cả một phòng ban chuyên nghiên cứu dự án đầu tư máy móc, đánh giá tính khả thi
và hiệu quả kinh tế. Còn bạn làm sao có được “những con số biết nói” để rộng đường
tính toán? Đây là cái giá thứ ba về sự
lựa chọn.
4.Cái giá về thời gian, về
đồng vốn, về sự lựa chọn chỉ trả một lần. Còn cái giá thứ tư về sự hao hụt vàng trong quá trình chế tác thì trả mãi không
hết, chỉ khi nào ngừng sản xuất thì mới thôi! Vẫn biết rằng: Ngày nay đã có sự
quản lý khoa học và tinh vi hơn, công nghệ thu hồi hiệu quả hơn nhưng sự hao hụt
vẫn không tránh khỏi. Có điều bạn phải chấp nhận mức độ hao hụt trong hoàn cảnh
hiện tại. Để có được những đường nét hoàn mỹ từ những đường nét thô kệch, bạn
phải cắt gọt, mài giũa, đánh bóng… Sự hao hụt ở khắp nơi ngay chính chổ bạn làm
việc. Bạn chỉ thu hồi thực tế ở vùng tập trung phế phẩm vàng, còn ở những nơi vương
vãi rải rác không có cách gì thu hồi trọn vẹn được.
Thu hồi xong còn phải nấu lại, còn phải phân
kim để có được nguyên liệu vàng ban đầu. Tỷ lệ thu hồi ở đây thấp hơn 100%, còn
thấp bao nhiêu là tuỳ thuộc vào cách thu hồi, đành chấp nhận “mất trắng” một số
lượng vàng. Vì vàng là kim loại quý, có
giá trị cao nên sự thất thoát này cũng gây thiệt hại cho bạn và ảnh hưởng đến
giá thành đầu ra của sản phẩm nữ trang.
Chưa kể có những mẫu nữ trang “độc nhất vô
nhị”, khi hoàn thành xong, tỷ lệ hao hụt trên 50%. Đây là cái giá phải trả quá đắt cho sự hoàn mỹ.
5.Sau những cái giá phải
trả để có được sản phẩm nữ trang mới lạ ra mắt công chúng, điều đầu tiên, bạn
phải xác định đúng và đủ giá trị thương mại của chúng để đưa ra một cái giá có
thể cạnh tranh trên thương trường. Tất nhiên, với những gì bạn đã bỏ ra để đầu
tư ban đầu, bây giờ là lúc thu hồi cả vốn lẫn lãi. Do đó, mức độ quý giá của chúng
được thể hiện lạnh lùng bằng chiều dài của những con số. Sức mua tăng lên hay
chậm lại còn tuỳ thuộc vào việc có đánh trúng thị hiếu khách hàng, tuỳ thuộc vào
sự quảng bá sản phẩm, tuỳ thuộc vào tâm lý khách hàng về giá thành sản phẩm… Tất
cả cần có thời gian chờ đợi sự bùng nổ của thị trường. Đây là cái giá thứ năm của lòng kiên nhẫn.
Nói tóm lại, để có được sự
hoàn mỹ trong chế tác kim hoàn, bạn phải đánh đổi nhiều thứ mới có được. Nếu bạn
là người làm ra chúng thì bạn xứng đáng được hưởng những thành quả lao động do chính
công sức và trí tuệ của bạn. Gía trị của chúng càng cao thí càng thể hiện tâm
huyết của bạn dành cho chúng.
Nếu bạn chỉ là người đi
mua sự hoàn mỹ thì bạn nên có cái nhìn thực tế về những cái giá mà người làm ra
sự hoàn mỹ phải trả để cho bạn có cơ hội được chiêm ngưỡng, được sở hữu chúng.
Biết đâu được cụm từ “Sao mắc thế!” sẽ không bao giờ có trong suy nghĩ của bạn
mỗi khi có dịp mua sắm nữ trang vì bạn hiểu quá rõ “Cái giá phải trả của sự hoàn
mỹ”…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét