Ở nước ta, đối với những dòng
họ lớn, giàu có, tiếng tăm lừng lẫy một thời dưới triều đại phong kiến xa xưa, ít
nhiều vẫn còn lưu lại một vài vật phẩm có giá trị lịch sử được truyền từ đời này
sang đời khác. Chúng có thể được coi như là vật gia bảo của cả một dòng họ. Ngoài
giá trị lịch sử, chúng còn mang theo giá trị tâm linh, tín ngưỡng và cả giá trị
nhân văn. Đời sau vô cùng tự hào, kính phục công đức trời biển của các bậc cao
nhân đời trước đã làm vẻ vang dòng họ. Những hiện vật này thay mặt quá khứ tái
hiện lại hình ảnh cha ông năm xưa với sự tôn kính của đời sau.
Việc gìn giữ bản sắc, lễ
nghi, phong tục tập quán của cả một dòng họ không phải là chuyện đơn giản, đòi
hỏi lắm công phu và đầy tinh thần trách nhiệm. Giữ đã khó nhưng phục dựng lại
những hiện vật có giá trị lịch sử lại còn khó hơn. Vẫn biết rằng hiện vật phục
dựng lại chỉ là bản sao, không bằng bản gốc nhưng phải bảo đảm giữ lại những nét
đặc trưng, cái hồn, cái cầu kỳ, cái tinh tuý và cả thiên hướng nghệ thuật của
người đã sáng tạo ra chúng. Hiện vật xưa chỉ phô diễn cho chúng ta thấy được vẻ
đẹp huyền bí và kỳ lạ qua từng đường nét, qua từng tổng thể, còn để thực sự hiểu
được ý nghĩa của chúng, hiểu được sự tưởng tượng phong phú của cha ông, đòi hỏi
cả một quá trình nghiên cứu chuyên sâu của các học giả.
Đây là thử thách lớn lao đối
với những người làm công việc phục dựng lại những vật gia bảo thời xa xưa. Chúng
tôi cũng đã trải nghiệm, khi có một vị khách đặt làm một kỹ vật “độc nhất vô nhị”
trên thế gian này. Qua hình ảnh và sự mô tả mà vị khách cung cấp, chúng tôi hình
dung kỹ vật này na ná giống như một bộ phụ kiện bằng bạc, dùng trang trí trên áo
dài - quốc phục của Việt nam - với những hoạ tiết và hoa văn cầu kỳ được chạm
khắc tinh xảo, sắc nét. Rất nhiều chi tiết rời rạc với nhiều kiểu dáng khác
nhau. Mỗi chi tiết, dù lớn hay nhỏ đều là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, được
đôi tay người nghệ nhân chăm chút tỉ mỉ từng đường nét. Phải “tâm phục khẩu phục”
sức sáng tạo như thần thánh của người nghệ nhân đã tạo nên một tuyệt tác để đời
cho hậu thế.
Các chi tiết này được kết
dính với nhau theo một trật tự được định trước. Tất cả được bố trí, sắp đặt một
cách hài hoà theo một bố cục chặt chẻ từ trên xuống dưới. Đâu là vị trí trung tâm,
đâu là thượng, hạ, tả, hữu đều có những chi tiết ứng với từng vị trí đó. Xem
qua tổng thể, chúng tôi nhận ra một vài linh vật như long phụng…, cây lá có
mai, lan, cúc, trúc… Chúng tôi hoàn toàn không hiểu qua tác phẩm này, người xưa
muốn gởi gắm cho thế hệ sau thông điệp gì. Sự
quyền uy, mạnh mẽ như long phụng trường tồn theo thời gian qua bốn mùa mai lan
cúc trúc chăng? Người nào mặc bộ lễ phục này sẽ khẳng định được vai vế
trong hoàng thân quốc thích. Qua đây, chúng tôi cũng được biết thêm cách phục sức
của cha ông thuộc tầng lớp hoàng tộc xa xưa. Đây là một tư liệu cổ xưa có giá
trị, bổ sung thêm vào lịch sử cách ăn mặc của người Việt từ xưa đến nay. Một khám
phá thú vị phải không nào?
Chúng tôi cũng thành công
trong việc phục dựng lại gần đúng, tuy không chính xác 100% kỹ vật trên. Bởi vì,
tất cả đều phải làm bằng tay, không có máy móc nào can thiệp. Mức độ khó ở đây
là trông chờ vào tay nghề và đôi mắt tinh tường của người thợ để thổi hồn vào tác
phẩm, làm sống lại ký ức đã bị lãng quên. Cái quan trọng là làm cho vị khách thực
sự hạnh phúc khi thực hiện được ước muốn của mình.Còn riêng chúng tôi có thêm
kinh nghiệm và sẳn sàng đối đầu với những thách thức mới trong ngành mỹ nghệ
kim hoàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét