Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

ĐÃI CÁT TÌM VÀNG

Tìm một cái nghề phù hợp với mình trong thời buổi kinh tế khó khăn là chuyện nan giải. Ai ai cũng vậy, khi đến tuổi trưởng thành đều phải kiếm cho mình một cái nghề, chí ít cũng nuôi sống bản thân mình, không lệ thuộc vào người khác, chứ chưa nói đến phải nuôi gia đình.
Đâu phải ai ai cũng tìm được cho mình một cái nghề như ý muốn. Hàng năm, biết bao nhiêu sinh viên đại học, cao đẳng và các trường nghề ra trường, với tấm bằng trong tay nhưng không tìm nổi cho mình một chổ đứng trong xã hội. Huống hồ, những người không có bằng cấp thì làm sao chen chân. Đối với nước ta, vấn đề việc làm, CUNG VƯỢT CẦU là chuyện cần cả xã hội chung tay góp sức tháo gở nghịch lý muôn thuở này. Đây cũng là một bài toán khó đòi hỏi các nhà hoạch định chiến lược kinh tế cần có đáp án cụ thể để đưa nền kinh tế đất nước đi lên.
Vấn đề hiện nay đối với các bạn trẻ là định hướng nghề nghiệp tương lai. Khi lớn lên, làm sao mà đoán biết được mình thích hợp với nghề nào? Đối với những người từ nhỏ đã được người lớn hướng theo một nghề nào đó thì vô cùng thuận lợi, cứ thế mà phát triển. Họ là những người  quá may mắn trong nghề nghiệp. Thật là đáng trách và vô cùng hối tiếc, khi những người trẻ tuổi, thiếu suy nghĩ từ bỏ cơ hội nằm trong tầm tay của mình. Một số rất ít sớm xác định tương lai của mình ngay khi còn ngồi ghế nhà trường và theo đuổi hoài bảo đến cùng. Tuy nhiên, cũng không thể đoán trước được có thành hiện thực trong tương lai hay không? Còn đối với những người không có một chút “vốn liếng” (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) lận lưng thì không khỏi bỡ ngỡ khi bước ra đời.

Mình chọn nghề hay nghề chọn mình? Câu hỏi xem qua có vẻ đơn giản nhưng để trả lời thì không dễ chút nào. Nghề nghiệp thì có đến hàng vạn, hàng triệu nhưng tâm đắc chỉ có một. Chọn cái nghề nào đó phù hợp với mình, tạo cho mình một sự đam mê, gắn bó suốt cuộc đời, không phải ai ai cũng được toại nguyện như ý muốn. Tất nhiên, có những khó khăn nhất định về sức khoẻ, về trình độ, về tư tưởng, về tiền bạc, về phong tục tập quán, về môi trường sống và về định kiến của gia đình, khi bạn chọn cho riêng mình một cái nghề. Vạn sự khởi đầu nan trên con đường lập nghiệp.
Thôi thì cứ cho rằng: Bạn không gặp may khi chọn nghề thì cũng nên bằng lòng với việc nghề chọn mình. Biết đâu được, đây có thể là một bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời của bạn. Tôi xin giới thiệu với bạn một cái nghề thú vị. Đó là nghề thợ bạc. Nghề này không đòi hỏi sức khoẻ, không đòi hỏi trình độ cao, chỉ cần sự đam mê cùng cái đầu nhạy bén, có tính cần cù nhẫn nại, có đôi bàn tay khoé léo và đôi mắt tinh anh. Tất nhiên, không phải ai ai, khi sinh ra cũng đều có sẳn những tố chất trên để đứng vào hàng ngũ thợ bạc. Đã từng có nhiều người khi bắt đầu học nghề không có lấy một chút kiến thức gì về nghề thợ bạc nhưng họ có sự quyết tâm và đam mê với nghề. Dần dần qua tôi luyện, qua thử thách trong công việc đã hình thành nên những tố chất trên và chúng sẽ theo suốt con đường nghề nghiệp của họ. Vàng thật phải qua lửa thử mới biết là vậy!

    
Bất cứ nghề nào cũng vậy, không nhất thiết học xong nghề là sống với nghề đó. Nghề thợ bạc cũng không thoát khỏi. Vì vậy, phải xác định tư tưởng ngay từ đầu khi học nghề thợ bạc: Nếu có điều kiện thì ra mở tiệm, còn không thì chấp nhận làm công để tích luỹ kinh nghiệm mai sau làm chủ. Người nào chịu khó, tay nghề ngày một nâng cao thì trụ vững với nghề coi như được Tổ đãi. Còn người nào không chịu vận động, không chịu phát huy những kiến thức cũng như những kinh nghiệm được các thầy truyền dạy thì sớm muộn gì cũng sẽ bị đào thải. Đó là qui luật “Đãi cát tìm vàng” trong nghề thợ bạc nói riêng và trong tất cả các nghề khác cũng không sai . Tôi đã vach ra những khó khăn và thuận lợi khi làm nghề thợ bạc. Bạn có quyền đắn đo, cân nhắc trong mọi lựa chọn nhưng nếu bạn không dám quyết định, không tin vào chính bản thân mình thì coi như bạn đã bỏ qua một cơ hội nghề nghiệp.
   
 

Đãi cát tìm vàng” chỉ là thành ngữ ví von sự khắc nghiệt trong cạnh tranh nghề nghiệp chung chung, nhưng trong nghề thợ bạc lại khác: “Đãi cát tìm vàng… thật” là có thật 100% đấy nhé! Không tin bạn thử học nghề thợ bạc đi nào! Cái quan trọng để có “vàng thật”, bạn phải mất nhiều thời gian và công sức để “đãi cát”. Vậy bạn có muốn bắt tay vào “đãi cát” không? Khi bạn đọc những dòng chữ này, coi như cái nghề này đã chọn bạn. Còn bạn có hứng thú với nó hay không thì tôi hy vọng, sau khi bạn đọc xong bài viết này, bạn sẽ thay đổi suy nghĩ…


  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét