Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

NHƯ THẾ NÀO THÌ ĐÚNG? ( PHẦN CUỐI )




ĐÚC KHUÔN


NUNG NÓNG: MÓC RUỘT KHUÔN THẠCH CAO

Đem ống flask với thạch cao đông cứng vào lò nung để tiến hành nung nóng “móc ruột” khuôn thạch cao. Qúa trình nung nóng làm tan chảy hoàn toàn sáp hay nhựa rê-sin của cây sáp nói ở trên, điều này đặc biệt quan trọng đối với công đoạn đúc. Sự thành công hay thất bại ở công đoạn đúc phụ thuộc vào sự sạch sẽ, thông thoáng bên trong lòng khuôn. Bên cạnh đó, nếu bạn không kiểm soát được nhiệt độ nung hợp lý thì cũng dẫn đến tình trạng nứt khuôn thạch cao. Đến nước này thì “đen quá còn gì”!

Tuỳ theo đặc tính của từng loại sáp, từng loại nhựa rê-sin mà có một chế độ nung thích hợp, mục đích  là đạt được sự đốt cháy hoàn toàn đối với từng loại nguyên liệu trên. Chỉ vì một nguyên nhân nào đó, lòng khuôn vẫn còn tồn tại cặn lắng thì phôi đúc ra không đạt yêu cầu. Phải bắt tay làm lại từ đầu, tốn kém và mất thời gian, nếu không chú trọng quá trình nung nóng thì có thể đúc đi đúc lại nhiều lần. Nói chung, bạn nên tuân thủ nghiêm ngặt quá trình nung của từng loại sáp hay nhựa rê-sin mà nhà sản xuất chỉ dẫn. Không nên đốt cháy giai đoạn hay rút ngắn thời gian, làm như thế vô hình chung ảnh hưởng đến chất lượng khuôn, kéo theo ảnh hưởng đến phôi đúc ra.

Bạn cũng nên linh động trong quá trình nung khuôn thạch cao. Không nhất thiết cứ tuân thủ một quá trình nung khuôn từ trước đến giờ. Chỉ cần thay đổi nguyên liệu của cây sáp nhưng bạn vẫn cứ “bảo thủ” giữ nguyên qui trình nung cũ thì hỏi sao không chê bai sáp này với nhựa rê-sin kia. Nguyên tắc là nguyên liệu nào thì có quá trình nung riêng hẳn hòi.

Dưới đây là qui trình nung nhựa rê-sin tiêu biểu, bạn có thể tham khảo và so sánh với qui trình nung mà bạn đang sử dụng:
BƯỚC
QUÁ TRÌNH
NHIỆT ĐỘ
THỜI GIAN
BƯỚC 1
Gia nhiệt
150 độ C
60 phút
BƯỚC 2
Giữ nhiệt
150 độ C
120 phút
BƯỚC 3
Gia nhiệt
470 độ C
90 phút
BƯỚC 4
Giữ nhiệt
470 độ C
60 phút
BƯỚC 5
Gia nhiệt
740 độ C
120 phút
BƯỚC 6
Giữ nhiệt
740 độ C
240 phút
BƯỚC 7
Hạ nhiệt
600 độ C
60 phút
BƯỚC 8
Giữ nhiệt
600 độ C
60 phút

Sau khi nung xong, bạn phải chờ cho khuôn nguội và ổn định. Lúc này, bạn nên lên kế hoạch chạy lò để chuẩn bị cho công đoạn đúc tiếp theo là vừa.

CHẠY LÒ VÀ ĐÚC: ĐỔ KHUÔN TẠO HÌNH HÀI NỮ TRANG

Ngày nay, các lò nấu vàng đều sử dụng điện năng để nấu chảy vàng bạc. Cho nên, không phải tốn nhiều sức lực cho việc nạp liệu thường xuyên vào lò. Do đó, thao tác chạy lò rất đơn giản chỉ cần biết sơ qua cách vận hành lò, còn điều chỉnh nhiệt độ theo ý muốn đã có chương trình cài đặt sẳn, cứ thế mà chạy lò vô tư. Nhiều khi, người thợ chạy lò ngày hôm nay, mặt mũi thì sạch sẽ, áo quần thì tươm tất khác xa hình ảnh của người thợ lò nhiều năm trước mặt mũi và quần áo lấm lem muội than, nhiễu nhại mồ hôi…
Nói như thế, đồng nghĩa với việc người thợ lò ngày nay đã thoát khỏi công việc nặng nhọc và độc hại trong quá trình chạy lò. Tuy nhiên, kinh nghiệm đứng lò của người thợ lò là cái chúng ta cần, để có được những mẻ lò thành công.

Trước hết, người thợ lò phải nhớ như thuộc lòng nhiệt độ đúc của từng nguyên liệu như: Vàng, bạc, đồng, thau… Hay nói cách khác là nhiệt độ làm nóng chảy hoàn toàn của từng nguyên liệu. Có như thế, họ mới biết cách cài đặt nhiệt độ nào phù hợp với nguyên liệu nấy khi chạy lò.

Dưới đây, sơ lược vài nhiệt độ đúc của những nguyên liệu thông dụng thường dùng trong ngành nữ trang. Các bạn có thể tham khảo để nắm được những thông tin cần thiết khi có dịp làm việc với lò đúc.

STT
NGUYÊN LIỆU ĐÚC
NHIỆT ĐỘ
1
Vàng 24K (Vàng 999)
1063 độ C
2
Vàng 22K ( Vàng 917)
1020 độ C
3
Vàng 18K ( Vàng 750)
927 độ C
4
Vàng 14K ( Vàng 585)
879 độ C
5
Đồng
1083 độ C
6
Bạc 925
961 độ C
7
 Thau
1020 độ C
8
Kẽm
419 độ C

Biết rõ về nhiệt độ đúc của các nguyên liệu dùng trong ngành nữ trang cũng chưa thể gọi là biết chạy lò được. Tại sao vậy? Bởi vì bạn sẽ phải đau đầu trong việc tính toán:  Cần bao nhiêu nguyên liệu cho vào lò, không thừa quá và cũng không thiếu, đủ để rót cho một lần đúc? 

Ngoài việc, bạn biết rõ dung tích chứa của cốc nấu nhưng không bao giờ bạn sử dụng hết 100% dung tích của nó. Bạn chỉ được phép sử dụng khoảng 70% dung tích của nó mà thôi! Từ đó, bạn có thể xác định được lượng nguyên liệu tối đa phải cho vào lò. Rõ ràng, tính toán này quá dễ, không đủ sức để làm cho bạn đau đầu. Cái cốt lõi của vấn đề ở đây là bạn phải tính toán lượng nguyên liệu cho vào lò. Để khi nguyên liệu nóng chảy hoàn toàn, bạn rót vào các khuôn thạch cao đã chuẩn bị sẳn, sao cho vừa đủ một mẻ nấu. 

Nếu nguyên liệu sau khi rót khuôn thừa quá nhiều thì phí phạm vì bạn phải nấu lại nguyên liệu thừa đó, vừa tốn thời gian, vừa tốn điện. Chưa kể nếu chúng được pha chế theo yêu cầu của mẻ nấu, nếu lần nấu tới nguyên liệu yêu cầu pha chế cách khác thì coi như chúng tạm thời nằm kho, vốn liếng chôn chân, quay đầu đồng vốn khó rồi đó.

Nếu trong khi đang rót vào khuôn mà nguyên liệu hết giữa chừng thì coi như cái khuôn đó tiêu tùng. Bao nhiêu công sức từ trước đến giờ đổ sông đổ biển. Phải bắt đầu lại từ khâu tạo mẫu, mất thêm thời gian, mất thêm công sức, chi phí tăng lên vì hao hụt nhiều trong khi giá thành vẫn giữ nguyên, chưa kể chậm tiến độ sản xuất, mất uy tín với khách hàng.

Vì vậy phải có cách tính toán tương đối hợp lý để giải quyết khó khăn trên của người thợ lò. Bài viết ở phần 2, tôi có đề cập đến việc cân trọng lượng của cây sáp trước khi đổ khuôn thạch cao. Đây là việc làm không thừa chút nào và bạn cũng phải ghi nhớ điều này khi chuẩn bị khuôn đúc. Người ta dựa vào trọng lượng của cây sáp rồi từ đó qui đổi theo tỷ lệ ra trọng lượng của nguyên liệu cần cho vào lò nấu. Đây chỉ là cách tính toán tương đối lượng nguyên liệu cho vào lò, để khi rót không thừa quá nhiều và đặc biệt không thiếu nguyên liệu giữa chừng.Với cách tính toán như trên, người thợ lò cảm thấy nhẹ đầu, an tâm và tự tin trong công việc của mình rồi đấy!.

 Đây là bảng qui đổi theo tỷ lệ giữa sáp với các loại nguyên liệu đúc thông dụng dùng trong ngành nữ trang, bạn có thể tham khảo và bổ sung theo kinh nghiệm của mình:
STT
NGUYÊN LIỆU ĐÚC
TỶ LỆ QUI ĐỔI
NGUYÊN LIỆU ĐÚC/SÁP
TỶ TRỌNG RIÊNG
1
VÀNG 22K
 (Vàng 917)
18/01
17,90 g/cm3
2
VÀNG 18K
 (Vàng 750)
16/01
15,58 g/cm3
3
VÀNG 14K 
(Vàng 585)
14/01
13,07 g/cm3
4
VÀNG 9K 
(Vàng 375)
12/01

5
BẠC 925
10,5/01
10,53 g/cm3
6
THAU
8,5/01

Ví dụ: Căn cứ vào tỷ lệ qui đổi ở trên, cứ 1 gam sáp ( hay nhựa rê-sin) thì cần 18 gam nguyên liệu  VÀNG 22K, hay 16 gam nguyên liệu VÀNG 18K…, hay 10,5 gam BẠC 925… vân vân. 

Đến đây, những gì đúng sai trong quá trình TẠO DỰNG HÌNH HÀI NỮ TRANG, tôi đã trình bày một cách khái quát và sự thiếu sót là không thể tránh khỏi. Trong thời gian tới, tôi sẽ bổ sung và hoàn thiện hơn nữa. Phần còn lại và quyết định thành công là tuỳ thuộc vào kinh nghiệm của bạn, tuỳ thuộc vào sự yêu nghề của bạn. Chúc bạn thành công và phát triển trong việc TÔN VINH VẺ ĐẸP TẠO HOÁ…


   



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét